Bài 29: Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu được chương 5 ( gồm 4 bài, link đọc full ở bên dưới ) của chuỗi các bài viết xoay quanh kiến thức về Vật lý trị liệu, cũng như các loại thiết bị liên quan đến điện trị liệu được dùng phổ biến hiện nay. Tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục với chương 6 đó là Thấu nhiệt cao tần (Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt, Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị…). Chương 6 gồm 7 bài đó là:

          Bài 28: Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt

          Bài 29: Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

          Bài 30: Thấu nhiệt vi sóng

          Bài 31: Ứng dụng thấu nhiệt cao tần trong lâm sàng

          Bài 32: Thận trong trong thấu nhiệt cao tần

          Bài 33: So sánh thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt siêu âm

          Bài 34: Hướng dẫn sử dụng an toàn thấu nhiệt cao tần

Ở trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 29: Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo) 

Bài 29: Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn chính là một máy phát sóng vô tuyến. Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ qui định 3 tần số cho các thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn dùng trong điều trị: 27,12 MHz (tương ứng bước sóng 11 m); 13,56 MHz (tương ứng bước sóng 22 m); và 40,68 MHz ((tương ứng bước sóng 7,5 m), mặc dù tần số này ít được dùng.

1. Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn – Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn gồm bộ nguồn cung cấp năng lượng cho bộ dao động tần số vô tuyến (hình 6.1). Bộ dao động này cung cấp các dao động ổn định, không méo tại các tần số yêu cầu. Bộ khuếch đại công suất tạo năng lượng đưa tới các điện cực. Bộ cộng hưởng đầu ra cho phép mức công suất tối ưu được truyền tới cơ thể người bệnh.

Hình 6.2 là bảng điều khiển của thiết bị. Nút cường độ ra kiểm soát mức công suất đặt lên các điện cực. Nó tương tự nút điều chỉnh âm thanh trên chiếc radio. Nút vi chỉnh điều chỉnh mạch đầu ra để thu được mức năng lượng tối đa từ bộ dao động tần số radio, tương tụ nút vi chỉnh trong đài bán dẫn. Đồng hồ công suất ra đo dòng điện từ bộ nguồn chứ không phải mức năng lượng tác động cơ thể người bệnh. Vì vậy nó chỉ xác định mức năng lượng dùng trong điều trị một cách gián tiếp.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị
Hình 6.1: Cấu trúc nguyên lí của thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn.

Công suất đầu ra của thiết bị sóng ngắn cần đủ lớn để tạo được sự tăng nhiệt tổ chức đáp ứng nhu cầu điều trị. Tốc độ hấp thụ riêng SAR (specific absorption rate) biểu diễn tốc độ năng lượng hấp thụ trên một đơn vị diện tích của mô chịu tác động. Hầu hết thiết bị sóng ngắn có công suất đầu ra nằm trong khoảng 80 – 120 W.

Một số thiết bị không có khả năng điều chỉnh như vậy. Nên an toàn và đơn giản hơn nhưng cũng kém hiệu quả hơn. Cần nhấn mạnh rằng, sự tăng nhiệt độ mô có thể vượt mức cần thiết. Dẫn tới sự tăng tuần hoàn mạnh, nên sau đó lại làm giảm nhiệt độ tại vùng cần tác động. Do dòng máu lưu thông sẽ phát tán nhiệt ra môi trường xung quanh.

Cảm giác của bệnh nhân là cơ sở để xác định liều lượng thấu nhiệt sóng ngắn liên tục. Và do đó sẽ khác nhau với các bệnh nhân khác nhau.

Dưới đây là cách xác định liều thấu nhiệt:

            Mức I (thấp nhất):      Không có cảm giác nhiệt

            Mức II (thấp):             Cảm giác nhiệt nhẹ

            Mức III (trung bình):  Cảm giác nhiệt vừa phải (dễ chịu)

            Mức IV (nặng):           Cảm giác nhiệt rất mạnh, ngay dưới mức đau

Trong thực hành, ban đầu thường đặt cường độ đầu ra ở mức 30 – 40% so với cường độ tối đa của thiết bị. Rồi xác định cảm giác nhiệt của bệnh nhân để lựa chọn liều thấu nhiệt phù hợp với mục tiêu điều trị.

Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn tạo ra dòng điện cao tần. Đến lượt mình, dòng cao tần này tạo ra điện trường và từ trường trong tổ chức sinh học. Tỷ số của điện trường so với từ trường phụ thuộc vào loại thiết bị và đặc trưng của các điện cực. Tại tần số 13,56 MHz, thiết bị tạo từ trường mạnh hơn. Còn tại tần số 27,12 MHz, thiết bị tạo điện trường lớn hơn. Phần lớn các thiết bị sóng ngắn xung dùng điện cực dạng trống và tạo ra từ trường mạnh hơn.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị
Hình 6.2: A. Thiết bị sóng ngắn. B. Bảng điều khiển: A, công tắc nguồn; B, đồng hồ; C, đồng hồ công suất ra (đo dòng từ bộ nguồn); D, cường độ ra (kiểm soát phần trăm công suất cực đại tác động bệnh nhân); và E, vi chỉnh (vi chỉnh mạch đầu ra để thu được năng lượng cực đại từ bộ dao động)

2. Điện cực sóng ngắn – Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn dùng các điện cực kiểu tụ điện và kiểu cuộn cảm. Mỗi loại điện cực có thể tác dụng lên các tố chức khác nhau. Và việc chọn đúng loại điện cực là yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp.

Các sản phẩm liên quan có thể bạn đang quan tâm:

Ngoài ra loại và hình dạng điện cực cũng có thể khác nhau, như điện cực tấm, điện cực cáp hoặc điện cực dạng trống.

Điện cực kiểu tụ điện:

Kỹ thuật điện dung, dùng trong các điện cực kiểu tụ điện, tạo ra điện trường mạnh hơn từ trường. Do dùng kỹ thuật điện dung, nên các điện cực này bao giờ cũng có hai điện cực trái dấu nhau. Như đã thấy từ chương 5, trong cơ thể có nhiều ion dương và âm tự do. Điện cực dương đẩy ion dương và hút ion âm; còn điện cực âm thì ngược lại.

Điện cực tụ điện tạo ra điện trường với các đường sức tác động lên hệ ion giữa hai điện cực. (hình 6.3). Cường độ điện trường do khoảng cách giữa hai điện cực qui định, khoảng cách càng nhỏ cường độ điện trường càng lớn. Điện trường ở tâm cặp điện cực lớn hơn ở ngoại biên. Khi dùng điện cực kiểu tụ điện, bộ phận cơ thể cần tác động đặt giữa hai điện cực và trở thành một phần của hệ mạch điện, như một bộ phận của hệ mạch mắc nối tiếp.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị điện cực trừ cộng
Hình 6.3: Đường sức điện trường giữa hai điện cực kiểu tụ điện.

Khi điện trường được tạo ra trong tổ chức sinh học, phần tổ chức có trở kháng với dòng cao tần lớn nhất sẽ tăng nhiệt nhiều nhất. Tổ chức nhiều mỡ có trở kháng lớn hơn và do đó sẽ tăng nhiệt nhiều hơn dưới tác dụng của điện trường. Đây chính là đặc trưng của các điện cực kiểu điện dung.

Tấm cách không khí:

Tấm cách không khí (air space plates) là minh họa của kỹ thuật điện dung (tạo điện trường mạnh hơn) dùng trong các điện cực kiểu tụ điện. Dạng điện cực này dùng hai tấm kim loại đường kính 7,5 – 17,5 cm, có lớp bảo vệ bằng thủy tinh hoặc chất dẻo. Tấm kim loại có thể nằm sâu 3 cm trong lớp bảo vệ, cho phép thay đổi khoảng cách từ nó tới da (hình 6.4).

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị các loại điện cực
Hình 6.4: Các điện cực kiểu tấm cách không khí gồm hai tấm kim loại bọc trong lớp bảo vệ 3 cm.
Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị trong khớp vai
Hình 6.5: Điều trị vùng bả vai bằng điện cực tấm cách không khí.

Khi dùng các tấm cách không khí, vùng điều trị đặt giữa hai điện cực trở thành một bộ phận của mạch ngoài (hình 6.5). Cảm giác nhiệt có xu hướng tỷ lệ thuận với khoảng cách từ tấm kim loại tới da; khoảng cách càng nhỏ, năng lượng truyền tải càng lớn. Tuy nhiên cần nhớ rằng, khoảng cách nhỏ hơn sẽ tạo nhiệt lớn hơn tại các tổ chức bề mặt như da và mỡ dưới da.

Vì sự tăng nhiệt lớn nhất tại các điện cực, nên phương pháp này thích hợp với tổn thương tại các tổ chức ít mỡ dưới da, như bàn tay, bàn chân, cổ tay hoặc cổ chân. Bệnh nhân gầy ốm nên dùng kĩ thuật này. Nó cũng thích hợp để điều trị các bệnh lý tại cột sống hoặc xương sườn, là những vùng ít tổ chức mỡ dưới da.

Điện cực tấm:

Tuy ít được dùng trong lâm sàng, nhưng một số thiết bị cũng có loại điện cực này. Chúng là loại điện cực tụ điện đúng nghĩa nhất và phải buộc cố định vào cơ thể để có thể tạo nhiệt sâu hiệu quả, cũng như để phòng ngừa bỏng (hình 6.6). Giữa các tấm điện cực và cơ thể phải có nhiều lớp khăn bảo vệ. Hai điện cực phải cách nhau đủ xa, tối thiếu bằng đường chéo của điện cực. Điện cực càng gần nhau, vùng tăng nhiệt độ càng nằm sát bề mặt da. Tăng khoảng cách giữa hai điện cực sẽ tăng độ sâu của vùng tăng nhiệt (hình 6.7). Vùng cần điều trị cần nằm giữa hai điện cực.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị điện cực màu đen đặt trên lưng
Hình 6.6: Điện cực tấm.
Hình 6.7: Các điện cực tấm phải cách nhau đủ xa. A. Đặt điện cực gần nhau sẽ tăng nhiệt tại vùng tổ chức bề mặt. B. Khi khoảng cách tăng, mật độ dòng tăng tại các vùng sâu hơn.

Điện cực kiểu cảm ứng:

Kỹ thuật cảm ứng, dùng trong các điện cực kiểu cuộn cảm, tạo ra từ trường mạnh hơn điện trường. Khi kỹ thuật cảm ứng được dùng trong thấu nhiệt sóng ngắn, dây cáp hoặc cuộn cảm được quấn quanh chi hoặc trong một điện cực. Dù trong trường hợp nào, khi dòng điện đi qua cuộn dây, từ trường sinh ra có thể tác động các tổ chức xung quanh bằng cách sinh ra các dòng điện thứ cấp định xứ, gọi là dòng xoáy, tại tổ chức chịu tác động (hình 6.8). Các dòng điện xoáy và các dao động liên phân tử tại vùng tổ chức chịu tác động sẽ sinh ra nhiệt.

Hình 6.8: Khi dòng điện chạy qua cuộn dây, từ trường sinh ra sẽ tác động tổ chức xung quanh nhờ tạo ra các dòng thứ cấp định xứ, gọi là dòng xoáy.

Trong kỹ thuật cảm ứng, bệnh nhân nằm trong từ trường và không phải là một hợp thành của mạch điện. Các mô sắp xếp theo kiểu song song, nên có trở kháng nhỏ và cường độ dòng điện lớn. Dưới tác dụng của từ trường, mỡ không có trở kháng lớn. Vì thế các tổ chức nhiều chất điện giải, như cơ hoặc máu, sẽ đáp ứng tốt với từ trường để sinh nhiệt. Do đó điện cực cảm ứng thích hợp để điều trị các tổn thương sâu. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, cảm giác nhiệt của bệnh nhân không rõ ràng vì từ trường hầu như không tạo cảm giác nhiệt trên da như điện trường.

Điện cực cáp:

Điện cực cáp là một kiểu điện cực cảm ứng tạo ra từ trường (hình 6.9). Có hai kiểu xếp điện cực cáp chủ yếu: kiểu bánh nướng và kiểu quấn vòng quanh. Trong kiểu bánh nướng, đường kính vòng nhỏ nhất phải lớn hơn 15 cm. Trong bất cứ kiểu xếp điện cực nào, phải có lớp khăn dày tối thiểu 1 cm giữa dây cáp và bề mặt da. Khoảng cách giữa các vòng quấn nên đạt 5 – 10 cm. Khoảng cách quá gần tạo đoản mạch và sự quá nhiệt.

Cả hai cách đều có thể tạo nhiều nhiệt hơn điện cực trống hoặc tấm cách không khí. Thiết bị thấu nhiệt tạo sóng tần số 13,56 MHz là loại thích hợp nhất với kiểu điện cực này, vì tần số thấp có khả năng tạo từ trường tốt hơn.

Hình 6.9: Điện cực cáp kiểu bánh nướng.

Điện cực dạng trống:

Điện cực dạng trống cũng là loại điện cực cảm ứng, nên tạo ra từ trường hơn là điện trường. Điện cực dạng trống chế tạo từ một hoặc nhiều cuộn cảm đơn diện, được cố định chặt  trong một hộp chứa (hình 6.10). Để điều trị vùng diện tích nhỏ, chỉ cần một trống. Với vùng diện tích lớn, có thể dùng nhiều trống treo trên cánh tay của thiết bị.

Hình 6.10: Điện cực dạng trống.

Độ xuyên sâu đối với điện cực dạng trống vào khoảng 2 – 3 cm, nếu da không cách mặt trống hơn 1 – 2 cm. Từ trường có thể có giá trị đủ lớn tại khoảng cách 5 cm từ bề mặt trống. Cần đặt tấm khăn mỏng giữa điện cực và bề mặt da. Ngoài việc bảo vệ thông thường, nó còn được dùng để hấp thụ độ ẩm vì sự tích tụ nước sẽ tạo ra sự quá nhiệt và bỏng da. Nếu có lớp mỡ dày hơn 2 cm, không thể tăng nhiệt đến mức yêu cầu tại các lớp tổ chức bên dưới, vì độ xuyên sâu cực đại của sóng ngắn với điện cực trống chỉ là 3 cm. Vì thế để tăng sự hấp thụ năng lượng, có thể đặt điện cực tiếp xúc trực tiếp với lớp khăn bảo vệ phủ trên da.

3. Thấu nhiệt sóng ngắn xung – Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

Thấu nhiệt sóng ngắn xung là một phương pháp tương đối mới. Nó được tạo ra bằng cách ngắt quãng thấu nhiệt sóng ngắn liên tục tại các thời điểm nhất định (hình 6.11). Khi đó năng lượng được truyền tải tới bệnh nhân nhờ các bó xung tần số cao. Các bó xung này có độ rộng xung nhỏ, khoảng 20 – 400 μs, nên cường độ đạt tới 1000 W trên mỗi xung. Tần số các bó xung nằm trong khoảng 1 – 7000 Hz.

Thời gian tắt xung thường lớn hơn thời gian mở xung; và vì cường độ khi có xung lớn, nên thời gian tắt xung cần đủ dài để nhiệt lượng dư thừa có thể phát tán ra môi trường xung quanh. Điều đó cho phép tạo ra nhiệt độ tổ chức đủ cao, trong khi cảm giác nhiệt của bệnh nhân chỉ ở mức tối thiểu.

Hình 6.11: Thấu nhiệt sóng ngắn xung.

Thấu nhiệt sóng ngắn xung được cho là có ý nghĩa trong điều trị vì tạo ra các hiệu ứng phi nhiệt với sự tăng nhiệt tối thiểu, phụ thuộc vào cường độ áp dụng. Tuy nhiên thấu nhiệt xung vẫn có tác dụng nhiệt. Khi dùng với cường độ cao để sự tăng nhiệt tại tổ chức đủ lớn, nó hoàn toàn không khác thấu nhiệt liên tục. Các điều trị thành công thường dùng mức cường độ và thời gian điều trị lớn, nên các hiệu ứng nhiệt lấn át các hiệu ứng phi nhiệt.

Với thấu nhiệt sóng ngắn xung, công suất trung bình là số đo khả năng sinh nhiệt. Nó được tính bằng cách lấy công suất đỉnh xung chia cho thời gian mở xung tính theo phần trăm.

Chu kì xung  =  Độ rộng xung  +  Khoảng cách xung

=  Thời gian mở xung  +  Thời gian tắt xung

Phần trăm thời gian mở  xung  =  Độ rộng xung (ms) / Chu kỳ xung (ms)

Công suất trung bình  =  Công suất đỉnh xung (W) / Phần trăm thời gian mở  xung

Với thấu nhiệt sóng ngắn chế độ xung, công suất trung bình thường thấp hơn công suất của chế độ liên tục.

Hình 6.12: Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn xung.

Thiết bị sóng ngắn xung thường dùng điện cực trống (hình 6.12). Điện cực trống dùng với chế độ xung hoàn toàn giống dùng với chế độ liên tục. Năng lượng tạo ra tại vùng điều trị xuất phát từ từ trường của các điện cực.

4. Thời gian điều trị 

Thực tế chứng tỏ, thời gian điều trị 15 phút là đủ để tạo sự tăng nhiệt rõ rệt tại cơ tam đầu trên người. Thời gian điều trị 20 – 30 phút thích hợp với mọi vùng tổ chức cần tác động. Các tác dụng sinh lý, nhất là tăng tuần hoàn, có thể kéo dài 30 phút sau điều trị.

Thời gian điều trị lớn hơn 30 phút có thể tạo phản ứng ngược do sự co mạch phản xạ. Nếu cần dùng quá 30 phút, nên kiểm tra nhiệt độ ngón tay hoặc ngón chân, tùy thuộc loại chi được điều trị. Thực tế cho thấy, dùng thấu nhiệt xung tại vùng cơ tam đầu tạo sự tăng nhiệt cực đại sau 15 phút tác động, sau đó giảm 0,3oC trong khoảng thời gian từ phút thứ 15 tới phút thứ 20. Đó là kết quả của sự tăng tuần hoàn. Dòng máu lưu thông tăng lên khiến một lượng nhiệt bị phát tán, nên nhiệt độ giảm đi. Đó là cơ chế chống tăng nhiệt tự nhiên của cơ thể. Vì thế khó tăng nhiệt của cơ hơn các tổ chức ít mạch máu.

Không nên quên rằng, khi nhiệt độ da tăng, trở kháng sẽ giảm. Và thiết bị cần được điều chỉnh sau mỗi 5 – 10 phút điều trị.

Đọc tiếp: Bài 30: Thấu nhiệt vi sóng ( Bấm để đọc )

Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.


Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!

Nhắn Zalo
Gọi ngay