Bài 32: Thận trọng trong thấu nhiệt cao tần

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu được chương 5 ( gồm 4 bài, link đọc full ở bên dưới ) của chuỗi các bài viết xoay quanh kiến thức về Vật lý trị liệu, cũng như các loại thiết bị liên quan đến điện trị liệu được dùng phổ biến hiện nay. Tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục với chương 6 đó là Thấu nhiệt cao tần (Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt, Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị…). Chương 6 gồm 7 bài đó là:

          Bài 28: Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt

          Bài 29: Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị

          Bài 30: Thấu nhiệt vi sóng

          Bài 31: Ứng dụng thấu nhiệt cao tần trong lâm sàng

          Bài 32: Thận trong trong thấu nhiệt cao tần

          Bài 33: So sánh thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt siêu âm

          Bài 34: Hướng dẫn sử dụng an toàn thấu nhiệt cao tần

Ở trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 32: Thận trong trong thấu nhiệt cao tần (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo) 

Bài 32: Thận trọng trong thấu nhiệt cao tần

Cần lưu ý rằng, có nhiều phản chỉ định và cảnh báo trong thấu nhiệt cao tần. Nhất là thấu nhiệt vi sóng, hơn bất cứ một mô thức điều trị nào khác trong điện trị liệu.

Các nghiên cứu hồi qui năm 1979 và 1993 trên 42.000 kỹ thuật viên vật lý trị liệu cho thấy. Phụ nữ làm việc thường xuyên với thấu nhiệt vi sóng có tỷ lệ sẩy thai cao hơn bình thường một chút. Trong khi với thấu nhiệt sóng ngắn, không thấy một sự bất thường nào. Sự bất thường liên quan với vi sóng có thể giải thích bằng sự khác nhau cơ bản giữa hai phương pháp.

Với thấu nhiệt sóng ngắn, điện cực thường đặt sát bề mặt da và cơ thể người bệnh là một bộ phận của mạch điện. Trong khi vi sóng có tần số cao hơn (tức năng lượng các lượng tử sóng lớn hơn) và được truyền tới cơ thể nhờ các tấm phản xạ. Do đó vi sóng có độ tản mát lớn hơn, nên có thể tác động tới kỹ thuật viên điều trị. Vì thế trong thấu nhiệt vi sóng, kỹ thuật viên cần rời khu vực điều trị sau khi đặt thiết bị ở chế độ sẵn sàng làm việc.

Thấu nhiệt là phương pháp tăng nhiệt mô

Không thể dùng trong các bệnh lý mà sự tăng nhiệt gây hệ quả xấu như chấn thương cấp đang chảy máu, viêm cấp, vùng thiếu máu, vùng mất cảm giác đau và cảm giác nhiệt… (bảng 6.1). Cần lưu ý đồng hồ công suất không xác định trực tiếp năng lượng hấp thụ tại mô. Nên cảm giác nhiệt hoặc cảm giác đau của bệnh nhân chính là tiêu chí để đánh giá sự dung nạp đối với phương pháp. Có thể xem xét các phản chỉ định và phòng ngừa cụ thể của phương pháp tại bảng 6.1 ở trên.

Do thấu nhiệt cao tần làm nóng chọn lọc các loại mô nhiều nước. Nên cần thận trọng khi dùng mô thức trên các vùng hoặc cơ quan chứa nhiều nước. Tràn dịch khớp sẽ nặng hơn dưới tác dụng của thấu nhiệt. Tăng nhiệt có thể làm tăng viêm màng hoạt dịch. Vì mắt chứa nhiều nước, không dùng kỹ thuật tại các vùng xung quanh mắt.

Trong hầu hết trường hợp, cần dùng khăn để hấp thụ nhiệt dư hoặc nhiệt lan tỏa. Một lớp khăn là đủ với các điện cực dạng trống và tấm cách không khí; nhưng với các loại điện cực khác, khăn cần đủ dày, khoảng 1 cm. Không cần dùng khăn với vi sóng. Khi điều trị vùng hông, cần che khăn lên khe phân cách giữa hai bên. Nếu điều trị vùng bả vai, các nếp gấp da trong nách cũng phải được che bằng khăn.

Nếu có quần áo trên vùng can thiệp, cần quan sát kỹ quá trình điều trị. Nói chung có thể dùng sóng ngắn với một số loại quần áo, như áo bằng vải bông. Cần tránh loại áo hoặc lớp che khó thoát mồ hôi chế từ sợi tổng hợp, vì mô hồi tích tụ trên vùng can thiệp sẽ hấp thụ sóng cao tần rất mạnh, dẫn tới nguy cơ bỏng da. Cũng vì lý do tương tự, cần tránh vùng tổ chức đang băng ép hoặc băng bó sau chấn thương.

Chống chỉ định với thấu nhiệt

Không dùng thấu nhiệt cao tần tại vùng chậu phụ nữ đến tháng vì tác dụng tăng dòng máu tới vùng can thiệp.

Cũng không dùng kỹ thuật tại vùng xung quanh buồng trứng. Tinh hoàn nằm sát bề mặt hơn và do đó dễ bị tổn thương hơn. Không dùng các phương pháp thấu nhiệt, kể cả thấu nhiệt siêu âm, cho thai phụ vì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai.

Không dùng can thiệp trên vùng lồi xương vì nguy cơ tổn thương mô mềm xung quanh và trên đầu xương người đang phát triển (trẻ em và thanh thiếu niên).

 Bệnh nhân không được tiếp xúc trực tiếp với dây cáp điện cực. Không được bắt chéo các dây cáp lên nhau. Ăng-ten vi sóng không được tiếp xúc với da bệnh nhân, vì sẽ gây bỏng nghiêm trọng.

Cần đặt thiết bị vi sóng đang hoạt động đủ xa các thiết bị điện trị liệu khác. Linh kiện điện tử trong thiết bị TENS và các thiết bị tần số thấp khác có thể hư hỏng do chùm bức xạ từ các thiết bị cao tần. Bộ tạo nhịp nhân tạo cũng có thể bị phá hủy khi không được che chắn.

Không dùng bàn ghế kim loại khi can thiệp bằng thấu nhiệt cao tần. Bỏ đồ trang sức và đồng hồ trước khi điều trị.

Trong phương pháp thấu nhiệt cao tần, người bệnh cần được đặt ở tư thế thoải mái trong suốt quá trình điều trị để trường bức xạ không thay đổi do sự chuyển động của cơ thể. Cần kiểm tra da trước và sau điều trị. Vùng điều trị cần đặt tại tư thế nằm ngang hoặc treo khi ứng dụng phương pháp.

Đọc tiếp: Bài 33: So sánh thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt siêu âm ( Bấm để đọc )

Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.


Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!

Nhắn Zalo
Gọi ngay
Nhắn Facebook
Yêu cầu tư vấn