Rối loạn nuốt là gì?

Xin chào các bạn, chắc hẳn trong chúng ta đều đã từng nghe qua rối loạn nuốt. Vậy rối loạn nuốt là gì và nó gây ra những vấn đề gì khi chúng ta mắc phải. Bài viết này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem rối loạn nuốt là gì các bạn nhé.

1. Định nghĩa rối loạn nuốt.

định nghĩa rối loạn nuốt là gì

Rối loạn nuốt ( Dysphagia) hay chứng khó nuốt là phải cố gắng và kéo dài thời gian để đưa thức ăn hoặc nước từ miệng xuống dạ dày. Rối loạn nuốt có thể kèm theo đau, một số trường hợp người bệnh không thể nuốt được. Ngoài ra, chứng khó nuốt còn được định nghĩa là các rối loạn liên quan đến khoang miệng,hầu họng, thực quản hoặc ngã tư giao cắt giữa đường tiêu hóa và hô hấp.

Theo sách rối loạn nuốt ở người lớn của TS.BS Cẩm Bá Thức, Bệnh viện phục hồi chức năng Trung Ương.

Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đơn giản rối loạn nuốt là trình trạng suy yếu hoặc rối loạn các giai đoạn của quá trình nuốt làm viên thức ăn hoặc nước uống khó đi xuống dạ dày và/hoặc một phần lọt vào các đường ngoài thực quản như khí quản, mũi.

Theo số liệu của Hoa kỳ 2016 đã công bố rằng viêm phối được phát sinh chủ yếu từ rối loạn nuốt là nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong ở Hoa Kỳ ở độ tuổi trên 65 tuổi.

1.1 Sinh lý của nuốt.

Nuốt là một hoạt động nửa tự động có cơ chế rất phức tạp gồm có 3 pha/ 3 giai đoạn:

Tham khảo chi tiết quá trình nuốt bình thường của cơ thể ở đây các bạn nhé: https://congngheykhoa.com/qua-trinh-nuot-binh-thuong/

quá trình nuốt bình thường khác so với rối loạn nuốt
3 giai đoạn của nuốt bình thường

A. Giai đoạn miệng:

+ Nhai nghiền thức ăn.

+ Thức ăn được nghiền nhỏ và trộn lẫn nước bọt làm trơn thức ăn.

+ Tạo viên để nuốt (bolus).

+ Ở cuối giai đoạn miệng thì thức ăn được đưa về phía sau ở phần gốc lưỡi để chuẩn bị đẩy xuống thực quản.

+ Sự tham gia bao gồm các cơ nhai, các cơ vùng môi, răng, lưỡi và các tuyến nước bọt; các đầu mút giây thần kinh vị giác cũng kích thích quá trình này.

B. Giai đoạn hầu:

Là giai đoạn đẩy thức ăn qua ngã tư hầu họng (giai đoạn piston), đây là giai đoạn hoàn toàn tự động, rối loạn nuốt chủ yếu là ở giai đoan này:

+ Thức ăn hoặc chất lỏng được đẩy về phía hầu.

+ Khoang miệng đóng kín.

+ Lỗ mũi sau đóng kín ( thiệt hầu kéo lên che kín lại không cho thức ăn đi lên khoang mũi); các nếp gấp ở khe họng kéo sát vào nhau tạo thành rãnh dọc để thức ăn qua đó vào họng sau, rãnh này không cho những vật có kích thước lớn đi qua.

+ Thanh quản bị kéo lên trên và ra trước bởi các cơ cổ, động tác này làm cùng với các dây chằng làm nắp thanh quản bị đưa ra sau đậy kín thanh quản ngăn cho nước hoặc thức ăn không đi vào thanh quản.

+ Người bệnh ngưng thở.

+ Thức ăn đi qua hầu.

+ Cơ thắt trên thực quản mở ra.

C. Giai đoạn thực quản:

+ Thức ăn xuống thực quản.

+ Sau đó cơ thắt trên thực quản đóng lại.

+ Thực quản co bóp nhẹ nhàng đẩy thức ăn đi xuống.

+ Cơ tâm vị mở ra và thức ăn đi xuống dạ dày.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn nuốt.

Rối loạn nuốt xảy ra do nhiều nguyên nhân và các bệnh lý khác nhau. Thông thường, khó nuốt xảy ra khi ăn quá nhanh hay nhai các thức ăn không kỹ, không có hệ quả gì lớn và không được để ý. Khi khó nuốt xảy ra thường xuyên hơn thì đó là chỉ điểm của bệnh lý và đòi hỏi cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Rối loạn nuốt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người cao tuổi hoặc hậu chấn thương, do nhiều nguyên nhân khác nhau, điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Rối loạn nuốt thường là hậu quả thứ phát do người bệnh bị mắc các bệnh lý có nguồn gốc liên quan tới thần kinh ở người lớn như tai biến, đột quỵ, ung bướu, tâm lý, hậu phẫu, trẻ nhỏ bị bẩm sinh hoặc do điều trị.

2.1. Rối loạn nuốt do nguyên nhân thực quản ( esophageal dysphagia).

Rối loạn nuốt nguyên nhân thực quản
Rối loạn nuốt ở giai đoạn thực quản
  • Co thắt (mất dãn/ Achalasia) cơ tâm vị: Khi cơ tâm vị không dãn ra tương thích để thức ăn trôi từ thực quản đến dạ dày dẫn đến thức ăn có thể trào ngược lên họng. Các cơ ở thành của thực quản có thể bị yếu không đẩy được thức ăn xuống, tình trạng này diễn tiến kéo dài qua nhiều thời gian.
  • Co thắt lan tỏa (diffuse spasm): Co thắt cơ thực quản lan tỏa, tình trạng nayg tạo ra tăng áp lực thực quản, mất điều hợp của thực quản, , thường xảy ra sau nuốt. Co thắt lan tỏa ảnh hưởng đến hoạt động tự động của cơ thực quản , đặc biệt là các cơ thành ở phần dưới của thực quản.
  • Chít hẹp thực quản, teo thực quản ( stricture): Thực quản bị hẹp lại, teo lại dẫn đến không thể nuốt được các mẩu thức ăn lớn. Các u, bướu hoặc các mô sẹo thường là nguyên nhân của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản ( Gastroesophageal Reflux Disease/ GERD), hậu quả là chít hẹp thực quản.

 

 

 

 

hình ảnh X quang người bệnh bị rối loạn nuốt nguyên nhân chít hẹp thực quản
Hình Xray chít hẹp thực quản

 

3 bức xray rối loạn nuốt nguyên nhân chít hẹp thực quản
Hình Xray chít hẹp thực quản

 

  • Khối u thực quản: Khó nuốt do các khối u ở thực quản, tiên lượng thường xấu đối với trường hợp này.
  • Các khối u bên ngoài chèn ép vào thực quản, hoặc có khối thức ăn hay dị vật nuốt vào choán đường đi của thức ăn.
  • Vòng nhẫn thực quản: Một vùng nhỏ gây hẹp ở đoạn dưới của thực quản có thể làm cản trở đường đi của các viên thức ăn lớn.
  • Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản: Dịch vị trào ngược gây tổn thương niêm mạc và thành thực quản, tạo xơ sẹo, làm co thắt và ảnh hưởng đến độ đàn hồi của thực quản.
  • Viêm thực quản do bạch cầu ái toan (esinophilic esophagitis): Tình trạng này liên quan đến dị ứng thức ăn, làm tập trung lượng bạch cầu ái toan đến thực quản nhiều.
  • Bệnh xơ cứng bì (scleroderma): Tiến triển từ mô thành mô sẹo cơ, gây xơ cứng và yếu ở cơ thắt tâm vị. Làm cho cơ tâm vị không còn khả năng đóng kín dẫn đến trào ngược dịch vị và thường xuyên bị nóng ở mặt sau xương ức.
  • Xơ cứng thực quản do tia xạ, các điều trị ung thư bằng tia xạ cơ thể dẫn tới viêm và tạo sẹo thực quản.

2.2. Rối loạn nuốt do nguyên nhân hầu họng (oropharyngeal dysphagia).

Một số nguyên nhân làm suy yếu các cơ vùng hầu họng dẫn đến khó đưa thức ăn từ miệng xuống thực quản ở pha đầu của nuốt. Người bệnh có thể bị nghẹt thở (choke), nôn (gag), ho khi nuốt hoặc có cảm giác thức ăn hay nước chảy xuống khí quản chảy xuống hay chảy lên mũi. Tình trạng này có thể dẫn tới viêm phổi hít phải.

A. Nguyên nhân của rối loạn nuốt miệng họng:

  • Rối loạn thần kinh: Các rối loạn thường gặp như đa xơ hóa rải rác, bệnh teo cơ tiến triển, bệnh Parkinson,..  có thể bị rối loạn nuốt.
  • Tổn thương thần kinh: Tổn thương thần kinh đột ngột như sau đột quỵ hay tổn thương tủy sống có thể ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
  • Túi thừa vùng hầu ( pharyngeal diverticula): Một túi thừa nhỏ có thể đón thức ăn ở vùng hầu, thường là ở đoạn trên thực quản dẫn đến khó nuốt, nghẹn và có thể gây khó thở, thường phải ho khạc nhiều mới hết.
  • Ung thư: Ung thư, điều trị ung thư, xạ trị ung thư vùng hầu họng có thể dẫn tới rối loạn nuốt.
HÌnh ảnh túi thừa Zenker gây rối loạn nuốt
Giải phẫu túi thừa Zenker

 

trước và sau khi cắt bỏ túi thừa Zenker
Tiểu phẫu cắt bỏ túi thừa Zenker

 

2.3. Rối loạn nuốt do bệnh lý vùng đầu cổ và các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Ung thư khoang miệng, hầu họng, vòm họng và thực quản.
  • Hóa trị liệu trong điều trị ung thư đầu và cổ.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan đến đầu và cổ.
  • Sâu răng hoặc mất răng.
  • Các chăm sóc tích cực bao gồm đặt nội khí quản và mở khí quản.
  • Một số loại thuốc.
  • Ở những người bệnh bị rối loạn chuyển hóa xác định.
  • Ở những người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm ( ví dụ, nhiễm trùng huyết, hội chứng suy giảm miễn dịch phải (AIDS)).
  • Ở những người bệnh mắc nhiều bệnh phổi ( ví dụ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD], bệnh tim phổi mạn tính).
  • Ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản GERD.
  • Ở những người bệnh sau phẫu thuật tim.
  • Ở người bệnh cao tuổi.
rối loạn nuốt bởi tuổi cao gặp ở những người lớn tuổi
Rối loạn nuốt ở người cao tuổi

2.4. Rối loạn nuốt do bệnh lý thần kinh.

  • Đột quỵ não.
  • Chấn thương sọ não.
  • Chấn thương tủy sống cao ( tổn thương tủy cổ).
  • Sa sút trí tuệ.
  • Bệnh Parkinson.
  • Đa xơ cứng.
  • Xơ cứng cột bên teo cơ ( Atrophy Lateral Sclerosis/ ALS hoặc bệnh Lou Gehrig).
  • Teo cơ, loạn dưỡng cơ (Muscle Dystrophy).
  • Người khuyết tật trong dân số trưởng thành ( nghĩa là bại não).
  • Hội chứng sau bại liệt.
  • Bệnh nhược cơ.

2.5. Các yếu tố nguy cơ.

  • Tuổi cao.
  • Các bệnh thần kinh như đột quỵ, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống.
  • Các rối loạn ở hệ thần kinh, sa sút trí tuệ ( khoảng 81% người bệnh sa sút trí tuệ có rối loạn nuốt).
  • Các bệnh về cơ.
  • Tình trạng sức khỏe yếu hay suy kiệt.
  • Sử dụng thuốc xịt đường mũi họng ở những người bị bệnh hen, COPD, các thuốc tê dnajg xịt trong các trường hợp nội soi mũi họng và đường tiêu hóa trên như thực quản, dạ dày- tá tràng,..
  • Một số thuốc gây ra rối loạn nuốt như Gardenan, thuốc chống động kinh, thuốc an thần, các corticoid, các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, các thuốc dãn phế quản hoặc gây tê đường xịt.
  • Yếu tố thuận lợi: Thông mũi- dạ dày.
người bệnh đặt thông mũi dạ dày dễ bị rối loạn nuốt
Đặt sonde dễ gặp tình trạng rối loạn nuốt

3. Dấu hiệu của rối loạn nuốt.

Rối loạn nuốt có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào trong 1 quá trình nuốt bình thường của cơ thể. Khi bạn gặp các tình trạng dưới đây thường xuyên thì có thể bạn đã mắc phải rối loạn nuốt.

  • Khó nuốt xuống, phàn nàn về cảm giác khó nuốt xuống.
  • Có cảm giác đau khi nuốt, hoặc phàn nàn về cơn đau khi nuốt.
  • Có cảm giác bị nghẹn thức ăn ở họng, trong ngực, phía sau xương ức.
  • Trào thức ăn ngược trở lại.
  • Ho trong hoặc ngay sau khi ăn hoặc uống.
  • Ho hoặc ho và nôn khi nuốt.
  • Thường xuyên có cảm giác nóng ở vùng ngực.
  • Thường xuyên ợ chua ở miệng họng, do trào ngược dịch vị.
  • Chảy nước dãi và kiểm soát môi miệng kém.
  • Nói giọng khàn, nói giọng ướt hoặc nói khàn trong hoặc sau khi ăn hoặc uống.
  • Phải cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hoặc không ăn được những thức ăn thường ngày do không nuốt được.
  • Thức ăn hoặc nước còn tồn dư trong khoang miệng sau khi nuốt.
  • Không có khả năng duy trì việc khép môi, dẫn đến chảy nước, chảy dãi hay rơi thức ăn từ khoang miệng ra ngoài.
  • Thức ăn và/ hoặc nước uống rò rỉ từ khoang mũi.
  • Phàn nàn về thức ăn “dính” ở trong cổ họng hoặc ở sau xương ức.
  • Cảm giác nghẹn hoặc phàn nàn về ” cảm giác đầy” ở cổ.
  • Khó phối hợp giữa thở và nuốt.
  • Viêm phổi/ nhiễm trùng hô hấp định kỳ và/hoặc sốt.
  • Phải cố gắng mỗi khi ăn hoặc uống, bữa ăn kéo dài, cần thêm thời gian cần thiết để nhai hoặc nuốt.
  • Thay đổi thói quen ăn uống, không thể ăn được một số loại thực phẩm hoặc không uống được một số đồ uống.
  • Sụt cân hoặc mất nước do không thể ăn uống đầy đủ.

4. Hậu quả của rối loạn nuốt.

Rối loạn nuốt là tình trạng rối loạn chức năng thức ăn và uống, thức ăn và nước uống có thể đi vào đường thở, người bệnh không đủ lượng cần thiết cho nhu cầu hoạt động của cơ thể, hậu quả của nó là:

  • Hít sặc và nhiễm khuẩn phế quản phổi, suy hô hấp, có thể gây tử vong
  • Thiếu nước.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy kiệt.
  • Mất hứng thú, sợ cảm giác ăn uống
  • Đặc biệt là ở những người bệnh cao tuổi, do phản xạ ho kém nên có thể bị tình trạng “hít sặc thầm lặng”, nghĩa là không có biểu hiện gì rõ ràng và rất khó phát hiện cho đến khi đã có biến chứng xảy ra.

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách để phục hồi chức năng rối loạn nuốt các bạn nhé:

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!

Hotline của chúng tôi: 090 282 3651

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nhắn Zalo
Gọi ngay