Quá trình nuốt bình thường

Xin chào các bạn, bài viết này sẽ là bài viết tiếp theo trong tập các bài viết điều trị rối loạn nuốt. Trong bài viết trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu định nghĩa rối loạn nuốt là gì. Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem 1 quá trình nuốt bình thường bao gồm những giai đoạn nào và dưới góc nhìn giải phẫu có những cơ và thần kinh nào hoạt động trong 1 hoạt động nuốt bình thường kéo dài chưa đến 1 giây các bạn nhé.

Để tham khảo bài viết trước các bạn tham khảo ở đây nhé: https://congngheykhoa.com/roi-loan-nuot-la-gi/ 

1. Định nghĩa nuốt.

Theo Wikipedia thì nuốt là quá trình trong cơ thể người hoặc động vật cho phép một chất đi từ miệng, đến hầu họng và vào thực quản, trong khi đóng nắp thanh môn. Nuốt là một phần vô cùng quan trọng của ăn và uống. Nếu quá trình nuốt thất bại và vật nuốt như ( thức ăn, đồ uống, thuốc) đi vào khí quản thì có thể xảy ra nghẹt thở và hít sặc. Ở người, hoạt động đóng nắp thanh môn được kiểm soát bởi phản xạ nuốt.

2. Các giai đoạn của quá trình nuốt bình thường.

Nuốt là một hoạt động nửa tự động có cơ chế rất phức tạp gồm có ba phần (3 giai đoạn): Giai đoạn miệng, giai đoạn hầu, giai đoạn thực quản.

Quá trình nuốt bình thường bao gồm 3 giai đoạn Giai đoạn miệng, giai đoạn hầu, giai đoạn thực quản
Ba giai đoạn của hoạt động nuốt

2.1. Giai đoạn chuẩn bị ở miệng:

A. Chức năng của giai đoạn chuẩn bị ở miệng:

  • Nhai nghiền thức ăn.
  • Thức ăn được nghiền nhỏ và trộn lẫn với nước bọt làm trơn thức ăn.
  • Tạo viên để nuốt.
  • Ở cuối giai đoạn miệng thì thức ăn được đưa về phái sau ở gần gốc lưỡi để chuẩn bị đẩy thức ăn xuống thực quản.
  • Sự tham gia bao gồm các cơ nhai, các cơ vùng môi, răng, lưỡi và các tuyến nước bọt; các đầu mút thần kinh vị giác cũng kích thích quá trình này.

B. Bảng 2-1: Các cơ nhai.

Giải phẫu các cơ ở mặt và ở cổ tham gia vào quá trình nuốt bình thường của cơ thể
Các cơ ở đầu mặt cổ

1. Cơ thái dương (temporalis).

  • O: Hố thái dương của sọ.
  • I: Cành cao và mỏm vẹt của xương hàm dưới.
  • N: Thần kinh sinh ba.
  • M: Nâng lên hoặc đóng hàm dưới; rụt hàm dưới vào trong.

2. Cơ cắn ( Masseter).

  • O: Cung gò má.
  • I: Cành cao của xương hàm dưới.
  • N: Thần kinh sinh ba.
  • M: Nâng lên hoặc đóng hàm dưới.

3. Cơ chân bướm trong.

  • O: Xương khẩu cái, mảnh chân bướm ngoài, củ xương hàm trên.
  • I:  Cành cao của xương hàm dưới.
  • N: Thần kinh sinh ba.
  • M: Nâng lên hoặc đóng hàm dưới.

4. Cơ chân bướm ngoài.

  • O: Cánh lớn xương bướm và mảnh chân bướm ngoài.
  • I: Cổ lồi cầu xương hàm dưới.
  • N: Thần kinh sinh ba.
  • M: Hạ xuống hoặc mở hành dưới ra; đưa hàm dưới ra trước; cho phép hàm dưới cử động sai hai bên.

C. Bảng 2-2: Các cơ vùng mặt.

1. Cơ vòng môi (Orbicularis oris).

  • O: Các cơ xung quanh, chủ yếu là các cơ mút (buccinators); có rất nhiều lớp mô xung quanh môi.
  • I: Da xung quanh môi và hai khóe miệng.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Đóng, mở, chu môi, trề môi và cong môi.

2. Cơ gò má nhỏ (zygomaticus minor).

  • O: Xương gò má.
  • I: Cơ vòng môi ở môi trên.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo môi trên lên trên và ra ngoài.

3. Cơ nâng môi trên  (Levator labii superior).

  • O: Bên dưới lỗ dưới ổ mắt của hàm trên.
  • I: Cơ vòng môi ở môi trên.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo hoặc nâng môi trên lên.

4. Cơ nâng môi trên – cánh mũi  (levator labii superior alaeque nasi).

  • O: Mỏm xương hàm trên.
  • I: Da ở góc miệng, cơ vòng miệng.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Nâng góc miệng lên.

5. Cơ gò má lớn (Zygomaticus major).

  • O: Xương gò má.
  • I: Các sợi cơ của cơ vòng môi, góc miệng.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo môi trên lên; kéo góc miệng lên trên và ra sau; cơ cười.

6. Cơ nâng góc miệng  (Levator anguli oris).

  • O: Hố nanh của xương hàm trên.
  • I: Môi dưới gần góc miệng.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo hai góc miệng lên.

7. Cơ kéo góc miệng (Depressor anguli oris).

  • O: Mặt ngoài và trên biên dưới của hàm dưới.
  • I: Da của vùng má, khóe miệng, biên dưới của xương hàm dưới.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo môi dưới xuống; kéo hai khóe miệng xuống dưới và vào trong.

8. Cơ hạ môi dưới (Depressor labii inferior).

  • O: Bên dưới của hàm dưới.
  • I: Da của môi dưới, cơ vòng môi.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo môi dưới xuống.

9. Cơ cằm (Mentalis).

  • O: Hố răng cửa của hàm dưới.
  • I: Da cằm.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Đẩy môi dưới lên; nâng cằm lên.

10. Cơ cười (risorius).

  • O: Cơ bám da cổ (platysma), cân mạc của da cơ cắn.
  • I: Góc miệng, cơ vòng miệng.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Kéo hai góc miệng ra ngoài; tạo ra các lúm đồng tiền; tạo nét căng cho mặt.

11. Cơ mút (buccinators).

  • O: Mỏm xương ổ răng của xương hàm trên; bờ các cơ mút của xương hàm dưới.
  • I: Góc miệng, cơ vòng miệng.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Căng má; giữ thức ăn tiếp xúc với răng; co rút hai góc miệng.

2.2. Giai đoạn miệng/hầu.

A. Chức năng của giai đoạn hầu họng.

Đây là giai đoạn đẩy thức ăn qua ngã tư hầu họng ( giai đoạn piston), đây là giai đoạn hoàn toàn tự động, rối loạn chủ yếu là giai đoạn này:

  • Thức ăn hoặc chất lỏng được đẩy về từ phía hầu.
  • Khoang miệng đóng kín.
  • Lỗ mũi sau đóng kín ( thiệt hầu kéo lên che kín lại không cho thức ăn đi lên khoang mũi); các nếp gấp ở khe họng kéo sát vào nhau tạo thành rãnh dọc để thức ăn qua đó vào họng sau, rãnh này không cho những vật có kích thước lớn đi qua.
  • Thanh quản bị kéo lên trên và ra trước bởi các cơ cổ, động tác này làm cùng với các dây chằng làm nắp thanh quản bị đưa ra sau đậy kín nắp thanh quản ngăn cho nước hoặc thức ăn không đi vào thanh quản.

Trong khoang mũi hầu, năm cơ điều chỉnh tư thế của vòm mềm tương ứng với viên thức ăn:

  • Cơ vòm miệng – lưỡi (palatoglossal muscle) và các cơ nâng màn hầu khẩu cái (levator veli palatine muscles) và (Đám rối thần
    kinh hầu (pharyngeal plexus) và thần kinh gai (accessory nerve)) có vai trò nâng khẩu cái mềm lên và đóng khoang mũi hầu.
  • Cơ căng màn hầu khẩu cái (tensor veli palatini) (Nhánh hàm dưới của dây thần kinh sinh ba) có vai trò làm căng khẩu cái và làm giãn nở miệng ống tai (vòi Eustache); cơ khẩu cái – hầu (palatopharyngeal muscle) (đám rối thần kinh hầu (pharyngeal plexus) và thần kinh sống phụ(spinal accessory nerve)), có vai trò hạ khẩu cái mềm xuống, xấp xỉ ngang khẩu cái hay cái nếp gấp hầu, và co hầu lại.
  • Cơ lưỡi gà (muscularis uvula) (dây thần kinh sống phụ), có vai trò làm co ngắn khẩu cái mềm. (Bảng 2-3).

B. Bảng 2-3: Các cơ của khẩu cái.

1. Cơ nâng màn hầu khẩu cái (Levator veli palatine).

  • O: Đỉnh của xương thái dương.
  • I: Màn hầu (palatine aponeurosis) của khẩu cái mềm.
  • N: Dây thần kinh lang thang và thần kinh sống phụ.
  • M: Nâng khẩu cái mềm lên.

2.  Cơ căng màn hầu khẩu cái (Tensor veli palatine).

  • O: Hố của xương bướm.
  • I: Màn hầu (palatine aponeurosis) của khẩu cái mềm.
  • N: Dây thần kinh sinh ba.
  • M: Căng dãn khẩu cái mềm.

3. Cơ vòm miệng – lưỡi (Palatoglossus).

  • O: Dưới bề mặt của khẩu cái mềm.
  • I: Mặt bên của lưỡi.
  • N: Dây thần kinh lang thang và thần kinh sống phụ.
  • M: Nâng mặt dưới của lưỡi lên trong suốt giai đoạn đầu tiên của quá trình nuốt.

4. Cơ khẩu cái – hầu (Palatopharyngeus).

  • O: Khẩu cái mềm.
  • I: Thành hầu.
  • N: Dây thần kinh lang thang và thần kinh sống phụ.
  • M: Khóa khu vực hầu mũi lại trong suốt giai đoạn hai của quá trình nuốt.

5. Cơ lưỡi gà (Uvulae).

  • O: Gai mũi sau (posterior nasal spine) và màn hầu.
  • I: Vào trong lưỡi gà để tạo thành hình dáng chính hay bắp cơ.
  • N: Dây thần kinh lang thang và thần kinh sống phụ.
  • M: Làm ngắn và nâng lưỡi gà lên.

C. Dây thần kinh chi phối hoạt động nuốt bình thường.

Dây thần kinh hạ thiệt (Dây thần kinh sọ XII), dây thần kinh sinh ba (Dây thần kinh sọ V), và dây thần kinh mặt (Dây thần kinh sọ VII) phân bố thần kinh cho nhóm các cơ trên móng.

Dây thần kinh hạ thiệt chi phối thần kinh cho cơ cằm – móng (genihyoid) có vai trò đưa xương móng lên trên và hướng ra trước, hạ hàm xuống, và dây thần kinh sinh ba chi phối thần kinh của cơ hàm – móng (mylohyoid) giúp nâng xương móng và lưỡi lên và hạ thấp hàm xuống (Bảng 2-4).

Các cơ nhị thân (digastric muscles) bao gồm bụng trước và bụng sau. Bụng trước chịu sự chi phối thần kinh của nhánh hàm dưới của dây thần kinh sinh ba (Dây thần kinh sọ V) và hạ thấp hàm xuống hay nâng xương móng lên, trong khi phần phía sau chịu sự chi phối thần kinh của dây thần kinh mặt (Dây thần kinh sọ VII) và nâng lên hay rụt xương móng vào.

Dây thần kinh mặt (Dây thần kinh sọ VII) phân bố thần kinh cho cơ trâm – móng (stylohyoid muscle) có vai trò nâng xương móng lên trong suốt cử động nuốt. Thêm vào đó, cơ móng lưỡi (hyoglossus) và cơ cằm-lưỡi (genioglossus) đóng vai trò như các cơ nâng thanh quản,
cũng như các cơ lưỡi bên ngoài, và được thiết kế để hạ lưỡi xuống hoặc giúp nâng xương móng khi lưỡi cố định.

Dây thần kinh gai sống/phụ (Dây thần kinh sọ XI), liên kết với dây thần kinh hạ thiệt (Dây thần kinh sọ XII), phân bố thần kinh cho cơ trâm – lưỡi (styloglossus) có vai trò nâng lưỡi lên trên và ra sau trong suốt quá trình nuốt.

Dây thần kinh lưỡi hầu (Dây thần kinh sọ IX) và dây thần kinh gai sống (hay dây thần kinh phụ) (Dây thần kinh sọ số XI) cũng khiến cho cơ vòm miệng – lưỡi (palatoglossus) nâng phần sau lưỡi lên và hạ vòm mềm xuống. Cơ trâm – móng và cơ vòm miệng – lưỡi nâng phần sau lưỡi lên và hạ hai bên của khẩu cái mềm xuống.

D. Bảng 2-4: Các cơ trên xương móng.

các cơ trên và dưới xương móng chi phối quá tình nuốt bình thường của cơ thể ở giai đoạn hầu
Giải phẫu các cơ trên và dưới xương móng

1. Cơ hàm – móng (bụng trước cơ nhị thân) (Mylohyoid (anterior belly digastric)).

  • O: Mặt trong của hàm dưới.
  • I: Bên trên của xương móng.
  • N: Dây thần kinh sinh ba.
  • M: Nâng lưỡi và sàn miệng lên; đẩy hàm xuống khi xương móng được đặt trong tư thế cố định.

2.  Cơ nhị thân (bụng trước) (Digastric (anterior belly).

  • O: Gân trung gian được tạo bởi vòng cân mạc đối với xương móng.
  • I: Bên dưới của hàm dưới.
  • N: Dây thần kinh sinh ba.
  • M: Nâng xương móng lên nếu hàm ở vị trí cố định; đẩy hàm xuống nếu xương móng ở vị trí cố định.

3.  Cơ cằm – móng (Genihyoid).

  • O: Gai cằm của xương hàm dưới.
  • I: Xương móng.
  • N: Dây thần kinh sống cổ (đốt C1 và C2) thông qua dây thần kinh hạ thiệt.
  • M: Kéo xương móng về trước; đẩy xương hàm dưới xuống khi xương móng ở vị trí cố định.

4. Cơ trâm – móng (Stylohyoid).

  • O: Mỏm trâm – móng của xương thái dương.
  • I: Thân của xương móng tại sừng lớn.
  • N: Dây thần kinh mặt.
  • M: Nâng móng và gốc lưỡi.

5. Cơ móng – lưỡi (Hyoglossus).

  • O: Sừng lớn của xương móng.
  • I: Vào hai bên lưỡi.
  • N: Dây thần kinh hạ thiệt.
  • M: Đẩy lưỡi xuống.

6. Cơ cằm – lưỡi (Genioglossus).

  • O: Củ cằm trên của xương hàm dưới.
  • I: Xương móng, dưới lưỡi, và đầu lưỡi.
  • N: Dây thần kinh hạ thiệt.
  • M: Thè lưỡi ra và đẩy lưỡi xuống.

7. Cơ trâm – lưỡi (Styloglossus).

  • O: Bên trước của mỏm trâm.
  • I: Vào mặt bên của lưỡi.
  • N: Dây thần kinh hạ thiệt.
  • M: Nâng lên và ra sau.

8. Cơ vòm miệng – lưỡi (Palatoglossus).

  • O: Mặt trước của khẩu cái mềm.
  • I: Mặt lưng và mặt bên của lưỡi.
  • N: Dây thần kinh thiệt hầu, dây thần kinh lang thang, và dây thần kinh sống phụ.
  • M: Thu hẹp yết hầu và nâng phần sau lưỡi lên.

E. Thần kinh chi phối.

Dây thần kinh lang thang (Dây thần kinh sọ X) và dây thần kinh sống phụ (Dây thần kinh sọ XI) phân bố thần kinh cho hệ cơ vùng hầu, nơi có các cơ khít hầu trên, giữa và dưới (constrictor muscles) tạo thành máng cơ cong lõm ra trước và cùng nhau phối hợp để vận chuyển một viên thức ăn đi về hướng thực quản trong suốt quá trình nuốt.

Ba cơ khác cấu tạo nên lớp một lớp cơ dọc bên trong của hầu: cơ khẩu cái hầu (palatopharyngeus muslce), cơ trâm hầu (stylopharyngeus muslce), cơ cơ vòi hầu (salpingopharyngeus muscle).

Cơ trâm hầu (Dây thần kinh thiệt hầu) nâng hầu lên, và một mức độ nào đó là nâng thanh quản lên, trong quá trình nuốt, và cơ vòi hầu (Dây thần kinh sống phụ và đám rối thần kinh hầu) kéo phần thành hầu hai bên lên.

Cơ khẩu cái hầu kéo vòm mềm xuống.

Cơ nhẫn hầu (cricopharyngeal muscle) là một cơ đơn lẻ quan trọng nằm ở đoạn chuyển tiếp giữa hầu và thực quản. Về mặt chức năng, nó tách biệt khỏi cả hầu lẫn thực quản và đóng vai trò như một cơ vòng, thả lỏng trong suốt thời gian viên thức ăn trôi từ hầu vào trong thực quản. Nó chịu sự chi phối thần kinh bởi vừa các nhánh hầu của dây thần kinh lang thang lẫn các sợi giao cảm từ hạnh cổ (cervical ganglia) giữa và dưới. Các cơ chính được sử dụng trong các giai đoạn miệng và hầu của quá trình nuốt được trình bày trong Hình 2-4.

2.3. Giai đoạn thực quản.

A. Chức năng của giai đoạn thực quản.

  • Thức ăn xuống thực quản.
  • Cơ thắt trên thực quản đóng lại.
  • Thực quản co bóp nhẹ nhàng đẩy thức ăn đi xuống.
  • Cơ tâm vị mở ra và thức ăn đi xuống dạ dày.

B. Giải phẫu của giai đoạn thực quản.

Giải phẫu thực quản ở quá trình nuốt bình thường của cơ thể
Giải phẫu thực quản
  • Thực quản là một ống có thể căng phồng lên, dài xấp xỉ 21 đến 27 cm (10 inchs), kết nối hầu (ngang mức đốt sống cổ C6) và dạ dày (ngang mức đốt sống ngực T12). Nó được tách biệt khỏi hầu bởi đoạn hầu thực quản (PES) và khỏi dạ dày bởi cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter – LES).
  • Trong trạng thái nghỉ, ống thực quản (esophageal lumen) xẹp, tạo một khoảng không khả dĩ mà khoảng không này có thể phồng lên đến 3cm để tạo không gian cho không khí, các chất lỏng hay chất rắn được nuốt vào.
  • Trong lòng thực quản được lót bằng một lớp biểu mô vẩy lát tầng bảo vệ bao gồm một lớp các sợi cơ vòng bên trong và một lớp các sợi cơ dọc bên ngoài. Đoạn cuối gần thân (một phần tư trên) là cơ vân, trong khi đoạn hai phần ba ở xa được cấu tạo từ cơ trơn (smooth muscle).
  • Một phần ba giữa, nằm trong khu vực có động mạch chủ, là sự kết hợp của cả cơ trơn và cơ vân. Trong hành trình đi qua lồng ngực tại ngang gốc chia phế quản, thực quản đi sang bên và phía sau so với thất trái của tim, tạo thành một chỗ cong tự nhiên khi nó đi ra phía trước hướng về khe hoành (diaphragmatic hiatus).
  • Sau khi đi qua khe hoành, nó nối với thân của dạ dày ở ngang mức cơ vòng thực quản dưới (LES). Cơ trơn của LES được sắp xếp theo một hình dạng đường xoắn ốc chuyên biệt khi nó hợp lại với vùng cơ chéo trong của dạ dày. Mối quan hệ của thực quản với tim và cây khí phế quản, cũng như hành trình của nó đi qua khe hoành, được trình bày trong.

Tham khảo video nói về máy tập nuốt ở đây các bạn nhé: Nhấn vào đây!

0 0 đánh giá
Đánh giá
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nhắn Zalo
Gọi ngay
Nhắn Facebook
Yêu cầu tư vấn