Trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 25: Thiết bị và kỹ thuật điều trị (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo)
Bài 25: Thiết bị và kỹ thuật điều trị
1. Lựa chọn kiểu dòng thích hợp – Thiết bị và kỹ thuật điều trị
Dòng một chiều không đổi là lựa chọn truyền thống trong ion di. Kiểu dòng này đảm bảo sự dịch chuyển ion theo một chiều. Tuy nhiên bằng chứng lâm sàng cho thấy, dòng xoay chiều cũng có thể dùng để đưa thuốc, với hai ưu điểm chính là giảm nguy cơ bỏng da và tăng lượng thuốc trong thời gian điều trị. Dòng một chiều điện thế cao và dòng giao thoa không dùng trong ion di vì tính ngắt quãng và độ rộng xung quá nhỏ nên đẩy thuốc không hiệu quả. Tuy nhiên các dòng xung điều biến cũng có thể dùng để đẩy thuốc với một số thành công nhất định trên động vật thực nghiệm in vivo và in vitro.
2. Thiết bị ion di – Thiết bị và kỹ thuật điều trị
Có nhiều loại thiết bị ion di trên thị trường trang thiết bị y tế (hình 5.1). Về nguyên tắc, bất cứ thiết bị nào tạo được dòng một chiều không đổi đều có thể dùng để đẩy thuốc. Các thiết bị thường dùng pin, một số dùng điện lưới. Một số thiết bị dùng chế độ điện thế không đổi, nên khi điện trở da giảm dần trong quá trình điều trị, cường độ dòng có thể tăng đến mức bỏng da. Do đó thiết bị cần có chế độ dòng không đổi để ngăn ngừa nguy cơ này. Vì mục tiêu an toàn, thiết bị cần có chế độ ngắt tự động khi tổng trở giảm xuống dưới một ngưỡng nào đó.
Thiết bị ion di cần có chế độ chỉnh cường độ trong dải 1 – 5 mA. Nó cũng cần có đồng hồ, với thời gian đặt tối đa 30 phút. Các điện cực cần đánh dấu rõ ràng và có công tắc đảo cực. Dây nối điện cực cần cách điện tốt và được kiểm tra thường xuyên.
3. Cường độ dòng điện – Thiết bị và kỹ thuật điều trị
Trong thực hành, cường độ thấp có tác dụng đẩy thuốc tốt hơn cường độ cao, vì cường độ cao làm giảm tính thấm của da và mô dưới da. Các giá trị cường độ từ 3 mA tới 5 mA có tác dụng đưa thuốc tối ưu. Khi bắt đầu điều trị, cường độ dòng cần tăng đủ chậm đến khi người bệnh có cảm giác dòng rõ rệt. Nếu bệnh nhân thấy đau, cần giảm cường độ dòng. Kết thúc điều trị, cường độ cần giảm dần về 0 trước khi tháo bỏ điện cực ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Cường độ tối đa được xác định theo kích thước điện cực tích cực, sao cho mật độ dòng đạt mức 0,1 – 0,5 mA/cm2 tại bề mặt điện cực này (hình 5.2).
4. Thời gian điều trị – Thiết bị và kỹ thuật điều trị
Thời gian điều trị nằm trong khoảng 10 – 20 phút, với giá trị trung bình khoảng 15 phút. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần được thoải mái, không bị đau hoặc bỏng. Kỹ thuật viên điều trị cần quan sát da bệnh nhân sau mỗi 3 – 5 phút để phát hiện các dấu hiệu kích thích da. Do tổng trở da thường giảm trong quá trình điều trị, cần giảm dần cường độ một cách tương ứng để tránh nguy cơ đau và bỏng da.
Cần lưu ý rằng, có thể giữ nguyên điện cực tích cực tại vùng điều trị trong vòng 12 – 24 giờ để tăng cường tác dụng ban đầu, nếu điều kiện thực tế cho phép.
5. Liều lượng thuốc – Thiết bị và kỹ thuật điều trị
Liều lượng trong phương pháp ion di được biểu diễn bằng đơn vị mA-phút. Liều tổng cộng (mA-phút) được tính bằng cách lấy cường độ dòng điện (tính bằng mA) nhân với thời gian điều trị (tính bằng phút). Chẳng hạn:
Liều lượng 40 mA-phút = Cường độ dòng 4 mA x Thời gian điều trị 10 phút
= Cường độ dòng 5 mA x Thời gian điều trị 8 phút
Liều lượng thường dùng trong ion di là 40 mA-phút, với dải phân bố nằm trong khoảng 0 – 80 mA-phút.
6. Điện cực
Dòng một chiều không đổi được đưa vào cơ thể bệnh nhân qua các điện cực tiêu chuẩn. Điện cực có thể mượn từ các thiết bị kích thích điện khác hoặc được thiết kế riêng cho mục tiêu đẩy thuốc.
Các điện cực truyền thống có thể bằng đồng, thiếc hoặc bạc và được bọc trong bọt biển, khăn hoặc gạc để tránh tiếp xúc trực tiếp với da. Các lớp bọc đó được tẩm dung dịch ion hóa chứa hoạt chất điều trị. Nếu chất chứa hoạt chất có dạng kem, cần bôi kem trực tiếp trên da. Tiếp theo, đặt gạc tẩm nước hoặc saline lên vùng bôi kem và đặt điện cực lên trên tấm gạc.
Điện cực chuyên dụng thường đi kèm với thiết bị ion di. Nó có một khoang nhỏ chứa dung dịch ion, bao bên ngoài bằng một màng bán thẩm (hình 5.3). Nó có thể tự dính trên da. Ưu điểm lớn của điện cực chuyên dụng là có thể giúp loại trừ các sai sót mà kỹ thuật viên thường gặp khi chuẩn bị các điện cực truyền thống.
Đảo bảo đúng kĩ thuật khi sử dụng điện cực
Với bất cứ loại điện cực nào, phải đảm bảo sự tiếp xúc tối đa với da. Cần vệ sinh da trước khi gắn điện cực. Tuyệt đối không làm rách da, vì da rách có điện trở nhỏ nên dễ bị bỏng. Hết sức thận trọng khi áp dụng phương pháp tại các vùng da giảm cảm giác.
Khi điện cực đã sẵn sàng, nó trở thành điện cực tích cực. Nối điện cực tích cực với thiết bị ion di, sao cho sự phân cực của nó trùng với sự phân cực ion trong dung dịch. Điện cực thứ hai cũng được bọc trong gạc tẩm nước, saline hoặc các chất lỏng dẫn điện mà nhà sản xuất khuyên dùng. Cả hai cần được gắn đủ chặt vào da để tránh gây bỏng điện. Chúng chỉ được nối với thiết bị ion di đang tắt và nút điều chỉnh cường độ tại vị trí 0 mA. Kết thúc điều trị, cần giảm dần cường độ về 0 và tắt máy trước khi tháo điện cực ra khỏi cơ thể người bệnh.
Kích thước và hình dạng điện cực có thể thay đổi mật độ dòng và diện tích vùng tác động. Điện cực nhỏ tạo mật độ dòng lớn và dùng để điều trị các tổn thương khu trú. Điện cực lớn thường dùng cho các trường hợp khó xác định chính xác vị trí cần tác động.
Cần lưu ý cách đặt điện cực. Hai điện cực (+) và (-) cần đặt cách nhau một khoảng cách tối thiểu bằng kích thước điện cực tích cực. Có nhà nghiên cứu còn đưa ra khoảng cách lớn tới 45 cm. Khi khoảng cách giữa hai điện cực tăng, mật độ dòng tại các lớp bề mặt giảm đi, do đó giảm nguy cơ gây bỏng.
7. Lựa chọn loại ion thích hợp
Yếu tố quyết định cuối cùng trong ion di là chọn đúng loại ion cần thiết cho từng trường hợp bệnh lý. Để hoạt chất có thể thấm qua da, nó cần hòa tan trong nước và trong mỡ. Nó cần tan trong nước để vẫn ở trạng thái ion hóa trong dung dịch. Tuy nhiên da người tương đối khó thấm nước, vì thế nó cần tan trong mỡ để có thể thấm vào các tổ chức dưới da. Các ion tập trung chủ yếu ở vị trí điện cực tích cực và được dòng máu chuyển dần đi, dẫn tới tác động mang tính hệ thống hơn.
Một số ion có xu hướng tạo các hợp thành không hòa tan, nên có độ thấm sâu kém. Các ion kim loại nặng như sắt, đồng, bạc và kẽm thuộc phạm trù này.
Phần lớn ion dùng trong ion di mang điện dương. Ion dương tập trung ở cực âm, tạo ra phản ứng kiềm hóa với việc hình thành natri hydroxit. Ion dương có tác dụng kháng vữa xơ, nên chúng làm mềm mô bằng cách giảm mật độ protein. Chúng được dùng để điều trị sẹo hoặc dính.
Ion âm tập trung tại cực dương và tạo sự a-xít hóa. Ion âm có tác dụng tạo cục vón và tăng mật độ protein trong mô. Một số ion âm có tác dụng giảm đau (như các salicylate).
Dưới đây là danh sách các ion thường dùng trong điều trị.
Đọc tiếp: Bài 26: Ứng dụng trong lâm sàng ( Bấm để đọc )
Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!
Tôi là Lê Khắc Thuận, Co-founder của Công nghệ Y Khoa MDT. Mong rằng những sản phẩm và kiến thức về trị liệu có thể giải đáp những thắc mắc, cải thiện sức khỏe của bạn như mong muốn.
Đối với các chủ phòng khám và các bác sĩ, các nhà vật lý trị liệu, tôi hiểu rõ những thách thức mà bạn phải đối mặt trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Công nghệ Y Khoa MDT cam kết hỗ trợ bạn trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, tối ưu hóa quy trình làm việc của phòng khám. Chúng tôi cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến, đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật liên tục để đảm bảo bạn luôn đi đầu trong lĩnh vực vật lý trị liệu. Hãy để chúng tôi trở thành đối tác đáng tin cậy trong hành trình phát triển chuyên môn và mở rộng dịch vụ của bạn.