Bài 16: Lựa chọn tham số kích thích và qui trình ứng dụng

Ở trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 16: Lựa chọn tham số kích thích và qui trình ứng dụng (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo) 

Bài 16: Lựa chọn tham số kích thích và qui trình ứng dụng

Để kích thích tế bào cơ hoặc thần kinh hiệu quả, cần quan tâm tới các tham số kích thích và qui trình ứng dụng như sau:

  1. Dòng một chiều hoặc xoay chiều.
  2. Điện trở mô.
  3. Mật độ dòng.
  4. Tần số xung
  5. Cường độ xung.
  6. Độ rộng xung.
  7. Sự phân cực.
  8. Đặt điện cực.

Thay đổi các tham số và qui trình ứng dụng nói trên sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả lâm sàng của dòng kích thích điện.

1. Dòng một và hai pha – Lựa chọn tham số kích thích

Để hiểu sự co cơ dưới tác dụng của kích thích điện, cần lưu ý tới các kích thích lặp hơn là các kích thích riêng lẻ. Nếu dòng một pha liên tục là kiểu dòng duy nhất trong một thiết bị kích thích điện, cơ chỉ co khi cường độ dòng tăng tới ngưỡng. Một khi màng tế bào đã tái cực, chỉ một sự thay đổi khác của cường độ dòng mới tạo được sự khử cực và sự co tiếp theo (hình 4.22).

Khác biệt lớn nhất giữa các dòng một pha và hai pha là tác dụng hóa học của dòng một pha. Tác dụng đó chỉ rõ rệt khi kích thích liên tục trong một thời gian dài. Thay đổi hóa học xuất hiện khi thời gian kích thích không nhỏ hơn 1 phút, và có thể tích lũy suốt thời gian điều trị. Kiểu dòng này có mặt trong hầu hết các thiết bị điện thế thấp. Còn trong các thiết bị điện thế cao, độ rộng xung điện thường cố định và ngắn nên không gây tác dụng hóa học, trừ khi thời gian điều trị kéo dài hàng giờ.

Một lý thuyết về dòng điện thế cao một pha giả định rằng, điện trường của dòng một chiều làm tăng vận chuyển các protein mang điện về hệ mạch bạch huyết, do đó làm giảm phù nề sau chấn thương.

Các sản phẩm liên quan có thể bạn đang quan tâm:

2. Tổng trở mô – Lựa chọn tham số kích thích

Tổng trở là sức cản của mô đối với dòng điện. Xương và mỡ là các tổ chức có tổng trở cao; trong khi thần kinh và cơ có tổng trở thấp. Nếu một tổ chức tổng trở thấp nằm dưới một vùng tổ chức tổng trở cao, cường độ dòng điện tại đó có thể không đạt tới mức gây khử cực.

3. Mật độ dòng – Lựa chọn tham số kích thích

Muốn có kích thích, mật độ dòng (lượng dòng trên một đơn vị thể tích) tại thần kinh hoặc cơ cần đủ lớn để tạo khử cực. Mật độ dòng lớn nhất khi các điện cực tiếp xúc da và giảm dần khi dòng điện tới các lớp sâu hơn (hình 4.23). Nếu một lớp mỡ dày nằm giữa điện cực và sợi thần kinh, mật độ dòng có thể không đạt tới mức kích thích. (hình 4.24).

Nếu các điện cực gần nhau, vùng có mật độ cao nằm gần bề mặt (hình 4.25A). Nếu các điện cực xa nhau hơn, mật độ dòng sẽ cao hơn tại các lớp sâu hơn, bao gồm cả thần kinh và cơ (hình 4.25B).

Hình 4.23: Mật độ dòng với cặp điện cực cùng kích thước đặt gần nhau.
Lựa chọn tham số kích thích sợi thần kinh
Hình 4.24: Cặp điện cực cùng kích thước đặt gần nhau trên lớp mỡ dày. Dòng điện không thể kích thích thần kinh.

 

 

Lựa chọn tham số kích thích các sọc kẻ
Hình 4.25: A. Điện cực đặt gần nhau tạo mật độ dòng cao
tại các lớp bề mặt. B. Tăng khoảng cách giữa các điện cực làm tăng
mật độ dòng tại các lớp sâu hơn.

Kích thước, mật độ và vị trí đặt điện cực

Kích thước điện cực cũng làm thay đổi mật độ dòng. Khi kích thước của hai điện cực khác nhau, mật độ dòng gần điện cực nhỏ tăng lên, trong khi mật độ dòng gần điện cực lớn giảm đi. Dùng một điện cực lớn đặt xa vùng điều trị trong lúc đặt điện cực nhỏ (tích cực) gần sợi thần kinh hoặc điểm vận động sẽ thu được hiệu quả lớn nhất tại điện cực nhỏ (hình 4.26).

Lựa chọn tham số kích thích mật độ dòng nhỏ hơn
Hình 4.26: Mật độ dòng cực đại tại điện cực nhỏ.

Kích thước và vị trí đặt điện cực là một trong những yếu tố quyết định kết quả điều trị. Mật độ dòng cao tại các cấu trúc thần kinh cho phép kích thích hiệu quả mà chỉ dùng dòng cường độ thấp (yếu tố quan trọng đối với sự an toàn của người bệnh). Đặt sai điện cực là một trong những nguyên nhân thất bại lớn nhất trong điện trị liệu.

4. Tần số

Số lượng các lần co và duỗi của sợi cơ là một hàm số của tần số. Khi một sợi cơ co, nó chỉ có thể đáp ứng với kích thích tiếp theo nếu màng kịp tái cực. Khi đó các sợi tơ cơ còn đang xen phủ nhau (theo lý thuyết sợi trượt trong cơ chế co cơ), nên kích thích thứ hai làm các sợi cơ co ngắn hơn nữa. Sự chồng chập các lần co đơn đó được gọi là co gộp (summation of contraction). Khi số lần co đơn trong một giây tăng lên, các lần co đó có thể không phân biệt được với nhau, dẫn tới sự co cứng (hình 4.27).

Trương lực cơ khi co cứng lớn hơn nhiều khi co đơn. Nó chỉ phụ thuộc vào tần số, chứ không vào cường độ dòng kích thích. Trong thực hành, tần số cao (co cứng) dùng để tăng trương lực cơ do tác dụng co gộp; còn tần số thấp dùng để tăng khả năng bơm máu  và giảm phù nề.

Sự khác nhau cơ bản giữa co cơ bằng điện và co cơ tự chủ là sự đồng bộ khi phóng lực của các đơn vị vận động dưới tác dụng của kích thích điện. Mỗi một lần dùng kích thích điện, cùng một lượng đơn vị vận động sẽ co. Sự đồng bộ này là yếu tố quan trọng khi dùng kích thích điện làm mạnh cơ. Tuy nhiên nó cũng dẫn tới sự mỏi cơ lớn hơn. Đó là vấn đề mà nhà điều trị cần lưu tâm đúng mức.

Lựa chọn tham số kích thích thời gian
Hình 4.27: Cộng gộp các lần co đơn và co cứng.

5. Cường độ

Tăng cường độ dòng điện từ mức trong hình 4.28A lên mức trong hình 4.28B sẽ làm dòng điện tới được các lớp tổ chức sâu hơn. Kích thích nhiều sợi thần kinh hơn có thể đạt được bằng hai cách: hoặc tăng cường độ dòng của các xung cùng độ rộng (hình 4.28B), hoặc để dòng điện thấm sâu hơn. Dòng điện thế cao có khả năng xuyên sâu hơn dòng điện thế thấp và do đó thích hợp để kích thích các tổ chức nằm sâu. Đó là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa hai loại dòng phổ biến này.

Lựa chọn tham số kích thích kích thích sợi thần kinh
Hình 4.28: Kích thích sợi thần kinh. A. Một xung điện với cường độ và độ rộng vừa trên ngưỡng sẽ kích thích các sợi gần nhất và lớn nhất. Các xung điện cùng cường độ tại cùng vị trí sẽ kích thích cùng một lượng thần kinh. B. Tăng cường độ xung sẽ kích thích các sợi nhỏ hơn và xa hơn. C. Tăng độ rộng xung cũng có tác dụng tương tự.

6. Độ rộng xung

Có thể tăng số lượng sợi thần kinh kích thích bằng cách tăng độ rộng của các xung điện có cường độ như nhau (hình 4.28C), vì tuy cường độ không đổi, nhưng thời gian mở dòng lớn hơn. Phương pháp này đòi hỏi các thiết bị có thể điều chỉnh độ rộng xung. Các thiết bị điện thế thấp thường được thiết kế theo tiêu chí đó; trong khi các thiết bị điện thế cao thường có độ rộng xung cố định.

7. Độ phân cực:

Với thiết bị kích thích điện bất kỳ, luôn có điện cực âm và điện cực dương. Điện cực âm hút ion dương, trong khi điện cực dương hút điện tử và các ion âm khác. Với dòng xoay chiều, các điện cực thay đổi sự phân cực sau mỗi nửa chu kỳ.

Với dòng một chiều, cần phân biệt rõ hai điện cực dương và âm. Trong thời gian điều trị, các điện cực sẽ tạo hiệu ứng phân cực, bao gồm: hiệu ứng hóa học, tạo thuận sự kích thích, và chiều dòng điện (chiều dịch chuyển của các điện tích).

Hiệu ứng hóa học:

Thay đổi pH dưới mỗi điện cực, giãn mạch phản xạ, và vận chuyển các ion trái dấu qua da vào tổ chức (ion di) đều là kết quả của hiệu ứng phân cực. Hiệu ứng kích thích mô là ưu điểm của điện cực âm. Hiệu ứng diệt khuẩn có thể đạt được nhờ cả hai điện cực trong dải cường độ 5 – 10 mA, mặc dù với mức dưới 1 mA, tác dụng rõ hơn tại điện cực âm. Dòng điện thế cao cũng có tác dụng này sau 30 phút điều trị.

Tạo thuận sự kích thích:

Điện cực âm thường dùng để kích thích cơ vì có khả năng khử cực màng tế bào tốt hơn. Tại cực dương, mật độ dòng cũng có thể tăng đủ nhanh để tạo sự kích thích, tuy nhiên ít khi nó được dùng như điện cực tích cực vì đòi hỏi cường độ dòng lớn hơn. Điều đó có thể gây khó chịu cho người bệnh. Nói chung trong điện trị liệu, điện cực âm là lựa chọn tối ưu để kích thích cơ hoặc thần kinh.

Chiều dòng điện:

Trong một số qui trình điều trị, chiều của dòng điện có vai trò quan trọng. Nói chung điện cực âm đặt tại vùng kích thích, điện cực dương nằm xa là lựa chọn thường gặp nhất. Hiệu ứng phân cực thể hiện rõ xung quanh các điện cực. Trong lâm sàng, hiệu ứng phân cực quan trọng trong ion di, kích thích điểm vận động, kích thích thần kinh ngoại biên và trong tác dụng tại các tế bào không bị khử cực.

8. Cách đặt điện cực:

Khi kích thích cơ, điện cực tích cực thường đặt tại điểm vận động. Các điện cực cần sắp xếp song song với chiều dọc của sợi cơ, vì sau can thiệp, mô-men quay của cơ có thể tăng 64% so với cách sắp xếp vuông góc. Khi dùng kích thích điện để giảm đau, bài toán đặt điện cực có vai trò rất quan trọng.

Các phương pháp TENS dùng điện cực cùng kích thước đặt theo các hình thái đặc trưng. Các bước tiến hành sau đây có thể có tác dụng tối ưu:

  1. Điện cực có thể đặt trên hoặc xung quanh vùng đau.
  2. Điện cực có thể đặt trên các khúc bì, nhóm cơ hoặc diện xương chung đốt thần kinh tủy gai.
  3. Điện cực có thể đặt gần các phân đốt có liên hệ thần kinh với vùng đau.
  4. Điện cực có thể đặt tại phần thân tương ứng với vùng đau.
  5. Có thể kích thích các sợi ngoại biên dẫn tới vùng đau bằng cách đặt điện cực tại các vị trí mà sợi thần kinh nằm gần bề mặt nhất và do đó dễ kích thích nhất.
  6. Có thể đặt điện cực trên các cấu trúc giầu mạch máu bề mặt để kích thích các tổ chức thần kinh mạch máu cũng như các chất lỏng ion dễ dẫn điện.
  7. Đặt điện cực tại các điểm trigger và các huyệt châm cứu.
  8. Đặt điện cực đối xứng hai bên cơ thể cũng có thể có tác dụng tốt.
  9. Với dòng giao thoa, dùng các cặp điện cực bắt chéo nhau, sao cho vùng cần kích thích nằm giữa các điện cực. Nếu vùng điều trị nằm gần bề mặt da, đặt điện cực gần nhau. Nếu vùng điều trị nằm sâu dưới da, hoặc khó xác định vị trí đau, cần đặt điện cực xa nhau hơn (hình 4.29).
    Lựa chọn tham số kích thích màu hồng
    Hình 4.29: Nguyên lý dòng giao thoa trong thực hành.

Cần lưu ý rằng kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào cách đặt điện cực. Nếu không thành công, cần thay đổi cách đặt điện cực cho đến khi thu được kết quả mong muốn.

Đọc tiếp: Bài 17: Ứng dụng kích thích điện trong lâm sàng ( Bấm để đọc ) 

Nhắn Zalo
Gọi ngay