Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu được chương 8 ( gồm 6 bài, link đọc full ở bên dưới ) của chuỗi các bài viết xoay quanh kiến thức về Vật lý trị liệu, cũng như các loại thiết bị liên quan đến điện trị liệu được dùng phổ biến hiện nay. Tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục với chương 9 đó là Laser công suất thấp (Vật lý laser, Phương pháp laser châm…). Chương 9 gồm 6 bài đó là:
Bài 52: Cơ chế tương tác của laser với cơ thể
Bài 53: Kỹ thuật laser chiếu ngoài
Bài 54: Phương pháp laser châm
Bài 55: Phương pháp laser nội mạch
Bài 56: An toàn của laser trị liệu
Ở trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 54: Phương pháp laser châm (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo)
Bài 54: Phương pháp laser châm
1. Lịch sử phương pháp – Phương pháp laser châm
Ngược với châm cứu truyền thống được truyền bá từ phương Đông sang phương Tây. Laser châm phát triển mạnh tại phương Tây trước khi quay trở lại phương Đông. Từ giữa những năm 1970, việc ứng dụng laser HeNe trong châm cứu đã phát triển tại châu Âu. Từ đầu những năm 1980, do hiệu quả cao cũng như do xuất hiện HIV. Laser châm càng được phát triển (hình 9.11).
Tại Việt Nam, từ cuối những năm 1970 đã có những tài liệu tiếng Đức về laser châm được dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên chỉ đến khi Đề án Laser Y học quốc gia do Viện Công nghệ Laser, Viện Vật lý Y Sinh học và Bệnh viện Quân y 108 thành lập, laser châm mới được phát triển mạnh trên phạm vi cả nước. Cả trong lý thuyết và thực hành. Đọc đầy đủ về nguyên lý của Laser châm
2. Laser châm tại phương Tây – Phương pháp laser châm.
Do điều kiện thiết bị và tài chính tốt nên tại phương Tây, laser châm phát triển mạnh cả về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Dưới đây là một số nghiên cứu điển hình.
Một số nghiên cứu cơ bản:
Nghiên cứu sự thay đổi hoạt tính điện sinh học:
Với laser HeNe mật độ công suất 8mW/cm2, chế độ xung 20 Hz, nhóm tác giả do Zatsepina (1990) đứng đầu dùng kỹ thuật laser châm điều trị cho khoảng 28 bệnh nhân loét dạ dày và hành tá tràng. Với bộ huyệt kinh điển và thời gian châm chỉ 2 giây một huyệt. Thời gian nằm viện của nhóm nghiên cứu (laser châm + điều trị kinh điển) rút ngắn được 5 ngày. Từ 36 ngày xuống còn 31 ngày. Điều quan trọng hơn là những phép đo hoạt tính điện sinh học cho thấy ngay lập tức sau châm. Tại lớp tế bào đáy của biểu bì xuất hiện và lan truyền một điện thế sinh học với biên độ khoảng 60mV, tốc độ truyền 10cm/s và tồn tại đến 60 phút.
Hệ quả của nghiên cứu này rất quan trọng. Vì nó góp phần giải quyết nhiều khía cạnh ứng dụng kỹ thuật của laser châm. Đó là dùng một đầu laser, châm lần lượt từng huyệt ngắn cũng đạt kết quả như châm kim truyền thống (dùng nhiều kim, châm đồng thời nhiều huyệt, thời gian lưu kim dài).
Về khả năng dẫn điện của đường kinh:
Theo lý luận của y học phương Đông, kinh là con đường vận chuyển “khí huyết” (một dạng năng lượng – thông tin theo nghĩa hiện đại) trong cơ thể. Điện là một dạng năng lượng – thông tin như vậy. Hơn nữa điện châm cũng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị. Do đó Pelts và cộng sự (1991) nghiên cứu khả năng dẫn điện của đường kinh bằng kỹ thuật ghi từ trường quanh tay người khi cho dòng điện chạy qua kinh Phế. Và kinh Tiểu trường bằng các điện cực tại các huyệt Trung phủ và Liệt khuyết (Phế), Dương cốc và Nhu du (Tiểu trường).
Pelts thấy từ trường khác nhau trong hai trường hợp. Như một khẳng định cho sự độc lập của hai đường kinh. Hơn thế nữa, thí nghiệm cũng chứng minh khả năng dẫn điện của đường kinh. Hy vọng với các thiết bị đo tinh tế hơn, vị trí chức năng của đường kinh sẽ được khám phá.
Laser nhĩ châm và ngưỡng đau thực nghiệm:
Một cơ chế giảm đau của laser châm là nâng ngưỡng đau. King và cộng sự (1990) dùng laser HeNe 3mW liên tục qua quang sợi tác dụng lên 4 điểm nhĩ châm (Shenmen, Wrist, Dermis và Lung). Ngưỡng đau được đo bằng thời trị kế tại cổ tay (tránh huyệt L15). Kết quả là laser nhĩ châm với thời gian 1 phút/huyệt nâng ngưỡng đau thực nghiệm ở 71% trong số 41 người tình nguyện (trong số 39 người nhóm chứng, chỉ có 33% tăng ngưỡng đau, sai khác giữa hai nhóm đủ tin cậy (p<0,01)).
Ngưỡng đau nhóm nghiên cứu tăng 17% từ 3,15 ± 1,45mA lên 3,69 ± 2,01mA (p<0,05). Trong khi ở nhóm nhận can thiệp giả (sham). Ngưỡng đau giảm (nhưng không đủ tin cậy).
Laser châm và các chỉ số chức năng động vật có vú:
Nhằm đánh giá ảnh hưởng của laser châm, Lupyr và Samoilov, 1990, dùng laser HeNe mật độ công suất 25mW/cm2 chiếu các huyệt ứng với các tiết đoạn Th12 – L4 và Hợp cốc và Túc tam lý chuột cống trắng. Các chỉ số chức năng được đánh giá sau khi cho chuột chạy trên băng tải. Kết quả cho thấy, laser châm kích thích trương lực hệ giao cảm (mức acetylcholinesterase giảm 58% ở tủy sống và ở gan), tăng nhịp tim và tăng tải vật lý. Nhất là với nhóm động vật 3 tháng tuổi.
Laser châm cứu phòng ngừa thoái hóa cơ:
Dùng laser HeNe mật độ 25mW/cm2 chiếu các huyệt Hợp cốc và Túc tam lý (15 giây/huyệt), các tác giả Nikitiuk và Samoilov, 1989. Nhận thấy, trên mô hình hạn chế vận động, laser châm giảm thay đổi thoái hóa về mặt hình thái của chuột cống 4 tháng tuổi sau 50 ngày bất động từ 43,4% (nhóm chứng) xuống còn 7,2% (nhóm nghiên cứu). Với sự tăng vi tuần hoàn, giảm lượng mô liên kết, hoạt hóa sự tái sinh. Laser châm cũng cải thiện rõ rệt bức tranh hình thái cơ.
Một số kết quả lâm sàng:
Laser châm tại Trung tâm đau Stuttgart (CHLB Đức):
Tạt Trung tâm điều trị đau Stuttgart với 721 giường bệnh, 10 phương pháp sau được dùng thường quy trong điều trị:
- Vận động trị liệu
- Thư giãn
- Tâm lý liệu pháp
- Ion di
- Kích thích điện
- Thuốc phong bế thần kinh
- TENS
- Phản hồi sinh học
- Châm cứu
- Laser châm
Với thời gian châm ngắn (20 – 60 giây/huyệt), kết hợp với nhĩ châm (nhĩ châm trước khi châm huyệt thân) và các phương pháp đã nêu, trên nhóm nghiên cứu 150 người, Meissner và Sametzer đạt kết quả 76% bệnh nhân hài lòng. Trong đó 8% giảm cảm giác đau chủ quan ngay khi châm laser và 68% giảm đau sau khi kết hợp laser với các phương pháp khác.
Laser châm điều trị cơn đau thắt ngực:
Trên 200 bệnh nhân thiếu máu cơ tim với cơn đau thắt ngực, nhóm Alliluev, 1990, đã dùng laser HeNe 5 – 7mW, mật độ 50 – 700 mW/cm2 nhĩ châm (10 giây/huyệt) và chiếu các vùng sinh phản xạ Zakharin-Gerd (20 giây/phân vùng) kết hợp điều trị kinh điển. Kết quả các chỉ tiêu huyết động cải thiện tốt. Số cơn đau giảm rõ rệt, từ 6 ± 1 xuống 1 ± 1 cơn/ngày. Do vậy giảm đáng kể lượng nitroglycerin bệnh nhân yêu cầu. Từ 8 ± 2 xuống 1 ± 0,5 viên/ngày.
Laser châm trong điều trị kết hợp loét dạ dày – hành tá tràng:
Dùng laser HeNe 15 – 25 mW qua nội soi hoặc châm theo bộ huyệt kinh điển (20 giây/huyệt, ngày 1 lần trong 10 – 15 ngày) kết hợp với hóa trị kinh điển. Gorbashko và đồng sự, 1989, điều trị cho 502 bệnh nhân loét dạ dày – hành tá tràng. Kết quả cho thấy liệu pháp kết hợp cho kết quả hơn hẳn nhóm chỉ dùng trị kiệu kinh điển: lành loét hoàn toàn 48% (chứng 22%), còn thấy vết hồng qua nội soi 33,5% (chứng 0%), không kết quả 1% (chứng 24%).
Tỷ lệ tái phát của nhóm chứng sau một năm là 82% (nhóm nghiên cứu chỉ 62%). Sau hai năm là 18% (nghiên cứu 24%). Sau ba năm vẫn còn 14% bệnh nhân chưa tái phát. Điều không đạt được bằng kinh điển.
Laser châm trong viêm ổ răng:
Trên 80 bệnh nhân viêm ổ răng sau nhổ 1 – 9 ngày, laser HeNe 1 – 10mW/cm2 châm theo bộ huyệt kinh điển (20 – 40 giây/huyệt). Sau một lần điều trị đã hết đau hoàn toàn 62,5%, giảm nhiều 37,5%, với thời gian giảm đau kéo dài 2 – 14 giờ. Chỉ 18,7 % bệnh nhân cần lần điều trị thứ 2. 13,8% cần lần thứ 3. 2,5% cần lần thứ 4 và 2,5% cần lần thứ 5 (Palov et al, 1988).
Laser châm trong hen phế quản:
Trên 33 trường hợp hen phế quản trẻ em (4 – 14 tuổi), Liertzer (1980) dùng laser HeNe 2 mW châm qua quang sợi các huyệt:
Điểm tại chỗ (vùng ngực): KG17, B13, B17, Lu1, N27.
Điểm xa: D14, Du3, Lu7, Lu9, KS6.
Để cắt cơn: 3E5
Khi ho dữ dội: KG21/22, Lu5
Khi khạc đờm khó khăn: M40
Để điều chỉnh tâm lý: KG15, LG19, H3/5/7, M36.
Với kết quả khá nổi bật: 52,4% đạt kết quả rất tốt (không còn cơn cả khi gắng sức hay nhiễm trùng hô hấp. Khi tiếp xúc với dị nguyên cũng không gây cơn kịch phát như trước), 38,1% đạt kết quả tốt (giảm rõ rệt tần suất cơn và sự kéo dài cơn). Ở những bệnh nhân này, thuốc dùng giảm rõ rệt so với trước (từ 2 – 15 lần). Trên phế dung đồ, dung tích sống tăng rõ ở 77,7%, dòng đỉnh tăng ở 72,2% trường hợp.
Khám phá sâu hơn về cơ chế tác dụng, nhóm Snipas, 1989, dùng laser HeNe nhĩ châm (15 – 30 giây/huyệt) và huyệt trên thân (45 – 60 giây/huyệt) trong 20 ngày cho 82 bệnh nhân hen phế quản (28 người phụ thuộc corticosteroid). Với bệnh nhân chưa dùng corticosteroid, cả mức hormone hướng thượng thận ACTH và các chỉ tiêu phế dung đồ đều tăng rõ rệt so với trước điều trị. Trong khi với bệnh nhân phụ thuộc corticosteroid, chúng hầu như không thay đổi. Điều đó chứng tỏ laser châm có tác dụng lên chức năng tuyến yên và thượng thận người bệnh.
3. Laser châm tại Trung Quốc – Phương pháp laser châm.
Các nghiên cứu tại Trung Quốc chủ yếu công bố bằng tiếng Trung, nên khó tiếp cận. Vì thế ở đây chỉ đưa ra những kết quả điển hình, cả về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.
Phương pháp Laser châm và sự thay đổi nhiệt độ theo đường kinh:
Nhằm tìm hiểu cơ chế tác dụng của laser châm, Qiao Yu Zhen và Jang Xing Yu (1991) dùng laser HeNe châm huyệt Khúc trì bên phải kinh Đại trường của người tình nguyện. Và đo nhiệt độ các huyệt trên cả đường kinh (các huyệt đối xứng). Với công suất 5mW, châm 4 phút chỉ một huyệt, nhiệt độ tại mọi huyệt trên đường kinh cũng tăng rõ rệt, khoảng 1oC. Huyệt Hợp cốc tăng 1,7oC. Sự tăng duy trì khá lâu, chẳng hạn tới 90 phút tại Hợp cốc.
Đặc biệt hơn, đo nhiệt độ tại 4 điểm cách Khúc trì một thốn (2 điểm trên dưới dọc đường kinh và 2 điểm ngoài đường kinh). Thấy nhiệt độ dọc đường kinh thay đổi, trong khi ngoài đường kinh không đổi. Các tác giả cũng thấy chỉ 20% người tình nguyện đắc khí.
Nghiên cứu này chứng tỏ: (1) Sự truyền tin theo đường kinh khi khích thích một huyệt trực thuộc. (2) Đường kinh có thể ở trạng thái hoạt hóa khá lâu sau kích thích. (3) Huyệt càng quan trọng sự kích thích càng kéo dài. (4) Khác châm kim, tác dụng của laser châm độc lập với cảm giác “khí”. Và (5) Laser HeNe có độ xuyên sâu chỉ vài mm mà vẫn kích thích huyệt Khúc trì vốn nằm khá sâu. Điều đó dẫn tới giả định, hệ kinh lạc dường như là một kênh thông tin vật lý trong cơ thể.
Kết quả của Đại học Y khoa số 2 Thượng Hải:
Zheng Zeng và Liping Fu, 1994, nhận thấy, laser châm có thể đắc khí, gây giãn mạch và tăng vi tuần hoàn, thay đổi thế màng tế bào cơ trơn tử cung, thay đổi tính thấm màng tế bào và tăng estrogen, tăng trọng lượng tử cung chuột cắt buồng trứng. Trên lâm sàng, laser châm có thể kết quả tương đương châm kim khi điều trị đau kinh (89,7%), đa kinh do giảm tiểu cầu, cao huyết áp do mang thai (83,3%) , cao huyết áp nguyên phát và đau khớp (90,3%). Laser châm có ưu điểm dễ dùng, không sót huyệt và không xâm lấn.
Tác dụng trên chức năng tim:
Nhóm Bai-Hua Cheng dùng laser bán dẫn 830nm công suất 30mW châm huyệt Nội quan (90 giây/huyệt) trên 11 bệnh nhân (nhóm chứng châm Túc tam lý). Hình ảnh siêu âm cho thấy EF thất trái tăng (6,06%), FS tăng (5,75%) và Dd tăng (2,47mm) tin cậy về thống kê; trong khi nhóm chứng không có sự thay đổi đáng kể nào.
Laser châm điều trị viêm tai sau chấn thương não:
Trong 9 năm, De-ming Qui, 1994, dùng laser HeNe châm các huyệt Ế phong, Phong trì, Bạch nội, Bất dung, Thỉnh hội, Nhĩ môn, Tần đình và Đầu duy (và một số huyệt ngoại) cho 102 bệnh nhân viêm tai sau chấn thương não (196 tai). Thời gian châm 5 – 15 phút/huyệt, ngày một lần trong 7 – 14 ngày. Kết quả khỏi bệnh 81,4% trường hợp (81,1% tai), cải thiện 18,6% trường hợp (18,9% tai). Trong 58 trường hợp (110 tai) theo dõi 1 – 5 năm, chỉ 1 bệnh nhân (1 tai) tái phát.
Laser CO2 châm kết hợp thuốc đông y điều trị viêm mãn vùng chậu:
Với công suất thấp, laser CO2 cũng có tác dụng quang hóa. Khi dùng để châm, CO2 có thể vừa châm vừa cứu. Nhóm Gao-Yuan Wu tại Trường Cao đẳng Trung y cổ truyền Tianjin dùng thuốc thảo mộc “PEN YANG KANG” dạng capsule với mục đích kiện thận, điều chỉnh các kinh Thận và Bàng quang, tăng tuần hoàn, thải độc và hạ hỏa, kết hợp với laser CO2. Tỷ lệ thành công 97%, tốt hơn chỉ dùng hóa trị hoặc Đông dược.
Trên động vật viêm vùng chậu mạn và viêm ống dẫn trứng mạn do thiểu năng tuần hoàn thực nghiệm, điều trị kết hợp có tác dụng kháng viêm, ức chế phân chia tổ chức liên kết, kích thích tái sinh tế bào niêm mạc biểu mô và tái khai thông các ống dẫn. Trị liệu kết hợp hiệu quả trong điều trị viêm mãn vùng chậu và viêm vòi Fallop.
4. Laser châm tại Việt Nam – Phương pháp laser châm
Laser châm chỉ phát triển tương đối rộng tại Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây. Do khách quan, các nghiên cứu chiều sâu còn thiếu, gây nhiều trở ngại cho sự phát triển kỹ thuật. Dưới đây là một số nghiên cứu điển hình.
Điều trị đau do ung thư:
Nghiên cứu của nhóm Trần Thúy, 1994, cho thấy, trên 30 bệnh nhân ung thư, laser bán dẫn 850 nm bốn đầu châm có tác dụng giảm đau tốt. Các huyệt chọn phù hợp với vị trí tổn thương: vùng đầu mặt cổ (Hợp cốc, Chi câu, Quyền liêu, Phong trì); vùng ngực (Hợp cốc, Chi câu, Nội quan); vùng bụng (Tam âm giao, Trung đô, Túc tam lý hoặc Dương lăng truyền). Thời gian châm 15 phút/huyệt. Đánh giá theo mức độ và thời gian giảm đau sau một lần châm. Kết quả mức giảm đau 47,30 ± 21,65% và thời gian giảm đau 11,87 giờ.
Điều trị hen phế quản:
Tại Viện Vật lý Y Sinh học, laser bán dẫn 830 nm một đầu châm với 8 tần số sinh học tối ưu do Viện tự chế tạo được dùng kết hợp với điện từ trường xung 16 Hz để điều trị 22 bệnh nhân hen phế quản, thời gian 1 phút/huyệt. Trước điều trị tất cả bệnh nhân đều có cơn dù dùng thuốc hằng ngày. Sau điều trị, chỉ 3 bệnh nhân còn cơn (nhẹ hơn), lượng thuốc giảm rõ rệt. Trên phế dung đồ, nhiều chỉ tiêu cải thiện tốt (bảng 9.3).
Laser châm trong liệt thần kinh VII ngoại biên:
Trong hai năm 1993-1994, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Tháp, laser bán dẫn (830 nm, một đầu châm, tần số cộng hưởng Shumann, 1 phút/huyệt) được dùng để điều trị 71 trường hợp liệt mặt ngoại biên với kết quả tốt trên lâm sàng (lệch miệng và nhân trung, hở mi khi nhắm mắt, nếp nhăn má trái). 100% bệnh nhân đáp ứng trị liệu, với tỷ lệ khỏi và giảm bệnh tương đương nhóm 19 bệnh nhân châm kim (khỏi: laser châm 62,0%, châm kim 57,9%; giảm 38 và 41,1%). Thời gian điều trị của hai nhóm cũng như nhau (16,2 ± 6,6 và 16,2 ± 6,4 lần).
5. Nhận xét – Phương pháp laser châm
Mặc dù laser châm được dùng trong điều trị đã hơn 30 năm, nhiều vấn đề lý luận và thực hành vẫn chưa được giải quyết. Sau một thời gian dài trực tiếp nghiên cứu cả về chế tạo thiết bị, thực nghiệm và ứng dụng lâm sàng, chúng tôi có một số nhận xét như sau.
Một số đặc tính của laser châm:
Ưu điểm:
- Đơn giản về kỹ thuật: không cần định vị huyệt chính xác vì chùm laser có độ rộng đủ lớn; không cần lưu ý tới độ sâu của huyệt vì laser có thể tác động qua kênh thông tin vật lý (nghiên cứu của Qiao Yu Zhen); và không cần kỹ thuật bổ tả vì tự điều chỉnh là thuộc tính của laser.
- An toàn: kỹ thuật không xâm lấn (không đau, không lây nhiễm); tránh được một số tai biến của kim châm như vượng châm hoặc gẫy kim (mặc dù ít gặp).
- Hiệu quả tương đương châm kim: do laser châm và tâm lý liệu pháp.
Nhược điểm: Chưa hiệu quả trong châm tê và châm cấp cứu.
Về thiết kế chế tạo thiết bị:
Trong khi nhiều cơ sở trong nước cố gắng chế tạo thiết bị nhiều đầu châm với triết lý ngoại suy từ châm kim, chúng tôi đã thiết kế cả hai loại: loại một đầu châm dựa trên các nghiên cứu tại phương Tây và Trung Quốc; và loại nhiều đầu châm theo sự phổ biến tại Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi cũng quan niệm laser bán dẫn chỉ có ưu điểm hơn He-Ne trong việc cài đặt các tần số mang thích hợp.
Các sản phẩm liên quan có thể bạn đang quan tâm:
Trên thực nghiệm và lâm sàng, mẫu thiết bị một đầu châm với 8 tần số sinh học tối ưu thể hiện nhiều tác dụng đa dạng. Ưu điểm của nó là rẻ tiền, trong khi ưu điểm thiết bị nhiều đầu châm là sự tiện lợi cho người sử dụng. Đáng tiếc đến nay chưa có các nghiên cứu RCT để so sánh hiệu quả của hai loại thiết bị trên, vì thế vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ (hình 9.12 và 9.13).
Đọc tiếp: Bài 55: Phương pháp laser nội mạch ( Bấm để đọc )
Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!
Tôi là Lê Khắc Thuận, Co-founder của Công nghệ Y Khoa MDT. Mong rằng những sản phẩm và kiến thức về trị liệu có thể giải đáp những thắc mắc, cải thiện sức khỏe của bạn như mong muốn.
Đối với các chủ phòng khám và các bác sĩ, các nhà vật lý trị liệu, tôi hiểu rõ những thách thức mà bạn phải đối mặt trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Công nghệ Y Khoa MDT cam kết hỗ trợ bạn trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, tối ưu hóa quy trình làm việc của phòng khám. Chúng tôi cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến, đào tạo chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật liên tục để đảm bảo bạn luôn đi đầu trong lĩnh vực vật lý trị liệu. Hãy để chúng tôi trở thành đối tác đáng tin cậy trong hành trình phát triển chuyên môn và mở rộng dịch vụ của bạn.
Hotline: 090.282.3651