Liệt dây thần kinh số 7 là bệnh gì?
Dây thần kinh số VII là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt.
Tình trạng này trái ngược với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não.
Chúng ta ít biết rằng dây thần kinh mặt có đường đi phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt. Đó là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt có nhiều nguyên nhân như nguyên nhân từ thân não, ở dây thần kinh số VII, ở xương đá hoặc tuyến mang tai…
Nguyên nhân liệt mặt ngoại biên
- Liệt dây VII trung ương: Liệt mặt điển hình do các khu trú trong sọ gây ra tai biến mạch máu não, u của hệ thần kinh trung ương, u dây thần kinh thính giác.
- Liệt dây VII ngoại biên: Tổn thương dây VII từ xương thái dương trở ra còn gọi là liệt mặt Bell, thường do lạnh, hoặc do viêm.
Chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 bằng cách nào
Với bệnh liệt dây thần kinh số VII, cách chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng.
Bác sĩ sẽ hỏi cụ thể về trường hợp liệt mặt của người bệnh, xác định khu tổn thương giúp chẩn đoán và xác định được vị trí tổn thương thông qua cách xuất hiện tình trạng liệt mặt, các triệu chứng đi kèm như chảy tai, chấn thương, rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt…
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua lâm sàng bằng cách:
- Xác định tình trạng liệt mặt ngoại biên với các dấu hiệu đặc trưng của tổn thương như dấu hiệu Charles bell, người bệnh không thể nhắm kín mắt.
- Ở trạng thái nghỉ, mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch về bên lành, nếp nhăn trán bị xóa so với bên đối diện, cung mày bị rũ xuống, mép bên liệt bị hạ thấp so với bên kia, má nhẽo và phồng lên khi thở ra.
- Đối với các tổn thương kín, bác sĩ có thể thấy được nhờ dấu hiệu khi nhắm chặt mi mắt, lông mi bên liệt dài hơn bên lành.
Nhìn chung để chẩn đoán chính xác tình trạng liệt mặt ngoại biên, bác sĩ điều trị cần dựa vào các yếu tố trương lực cơ khi nghỉ, nghiên cứu nhóm cơ ở mặt và thực hiện các thăm khám khác như:
- Khám tai: Tìm các nốt phỏng vùng cửa tai, chảy tai và tình trạng màng nhĩ cho phép hướng chẩn đoán nguyên nhân.
- Khám họng và cổ: Sờ cổ mặt và khám họng để loại trừ khối u tuyến mang tai.
- Khám thần kinh: Tìm các tổn thương dây thần kinh sọ phối hợp khác.
Bệnh nhân có dấu hiệu liệt dây thần kinh số VII ngoài được chẩn đoán lâm sàng, còn được thực hiện các cận lâm sàng, xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân gây bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não có mạch máu não để xác định tổn thương tại trung ương hay ngoại biên.
- Các xét nghiệm khác: Công thức máu, Đường máu, Máu lắng, Sinh hóa…
Liệt mặt ngoại biên có nguy hiểm không?
Bệnh liệt dây thần kinh số VII có thể gây ra các di chứng nặng nề khác nhau như:
- Các biến chứng mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng tránh bằng nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu sụn mí hoàn toàn hay một phần.
- Đồng vận: biểu hiện co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt. Thất bại trong điều trị, phục hồi chức năng có thể giảm bớt khó chịu này.
- Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
- Hội chứng nước mắt cá sấu: hiếm gặp, biểu hiện chảy nước mắt khi ăn.
Liệt mặt ngoại biên là hội chứng tổn thương dây thần kinh số VII gây nên tình trạng giảm hoặc mất vận động các cơ của mặt( toàn bộ nửa mặt).
Nguyên nhân: bị nhiễm lạnh, tai biến mạch máu vùng cầu não, viêm não, viêm đa rễ và dây thần kinh….
Khám và lượng giá chức năng:
- Khi nghỉ ngơi: Bộ mặt cứng đờ, mất sự cân đối, mất đường nét tự nhiên. Trương lực cơ bên liệt giảm dẫn đến nửa mặt bên liệt xuất hiện các triệu chứng: mép bị xệ xuống, khe mắt bên liệt rộng hơn bên lành, lông mày hạ xuống thấp hơn, mờ rãnh mũi má, nhân trung lệch sang bên lành. Nước bọt thường chảy ra ở mép liệt. thức ăn hay đọng lại bên má liệt.
- Khi bệnh nhân làm động tác theo ý muốn sự mất đối xưng hai bên càng rõ hơn. Khi nhìn ngước lên: nếp nhăn trên trán bên liệt mờ hoặc không có. Khi nhe rang cười: miệng méo và lệch sang bên lành.
- Dấu hiệu Charles-Bell: người bệnh nhắm mắt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ vòng mắt và nhãn cầu bị đưa lên trên và ra ngoài( khi đó giác mạc bị lẩn dưới mi trên, củng mạc trắng lộ rõ giữa hai khe mí).
Các triệu chứng khác:
- Có thể tê mặt ở bên liệt.
- Mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi.
- Khô mắt do không tiết được nước mắt, hoặc tăng tiết nước mắt.
- Tiến triển: liệt mặt do nhiễm lạnh có thể tự khỏi sau 2-9 tuần. Trường hợp nặng có thể để lại di chứng.
- Di chứng: mức độ nặng nhẹ tùy theo nguyên nhân.
- Chỉ méo miệng nhẹ, đôi khi có thể có di chứng nặng chuyển sang co cứng nửa mặt.
Bệnh nhân thường cứng nửa mặt, méo về bên liệt. Mỗi khi làm động tác các cơ mặt có hiện tượng co đồng bộ gây co thắt nửa mặt, giật cơ. Đây là một biến chứng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và thẩm mĩ của người bệnh. Viêm giác mạc do bên liệt không nhắm kín dẫn đến bụi, gió tạo sang chấn vào giác mạc mắt.
Thang đo House-Brackman
Thang đo House-Brackmann là một hệ thống phân loại thần kinh do hai bác sĩ tai mũi họng sáng lập ra. Nó được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng trên bệnh nhân liệt mặt. Thang đo bao gồm 6 bậc:
- Bậc 1: mặt cân đối, vận động cơ mặt bình thường.
- Bậc 2: mặt cân đối, trương lực cơ bình thường, nhắm mắt kín dễ dàng, miệng mất cân đối nhẹ.
- Bậc 3: mặt cân đối, trương lực cơ bình thường. Vận động vùng trán giảm, mắt nhắm kín khi cố gắng, miệng mất cân đối nhẹ.
- Bậc 4: mặt cân đối, trương lực cơ bình thường. Vận động vùng trán mất, mắt nhắm không kín, miệng mất cân đối rõ.
- Bậc 5: mặt mất cân đối. Vận động vùng trán mất , mắt không nhắm kín, miệng còn rất ít cử động.
- Bậc 6: mặt mất cân đối. Mất hoàn toàn vân động bên liệt.
Phục hồi chức năng liệt mặt ngoại biên
Nguyên tắc:
- Điều trị càng sớm càng tốt, người bệnh mau khỏi
- Tránh các kích thích mạnh, không bao giờ cố điều trị cho hết liệt mặt trong giai đoạn cấp của bệnh (vì sẽ làm trương lực cơ tăng gây co cứng).
- Kết hợp điều trị, bảo vệ mắt bị hở.
Các phương pháp và kỹ thuật PHCN liệt VII ngoại biên
Lượng giá
- Vẻ mặt mất cân đối.
- Nhân trung và miệng lệch sang bên lành.
- Mắt nhắm không kín ( Dấu Charles Bell (+) ).
- Yếu cơ mặt bên liệt.
- Giảm trương lực cơ bên liệt ( Nửa mặt bên liệt mềm nhão, không cử động được ).
- Mất các nếp nhăn mặt bên liệt ( khó biểu hiện cảm xúc bên liệt).
- Mất vị giác 2/3 trước lưỡi ( không cảm nhận được vị của thức ăn bằng đầu lưỡi).
Mục tiêu điều trị:
- Giáo dục và trấn an bệnh nhân hiểu về bệnh của mình.
- Gia tăng tuần hoàn vùng mặt (Tăng cung cấp máu tới vùng mặt).
- Giảm đau.
- Tái rèn luyện thần kinh-cơ (Kích thích các cơ mặt hoạt động bằng dòng điện, thay thế đường dẫn truyền thần kinh đang tổn thương).
- Tái rèn luyện cảm giác.
- Tạo thuận sự đối xứng của mặt.
- Tạo thuận sự co cơ.
- Ngăn ngừa biến chứng.
Chương trình điều trị liệt mặt ngoại biên:
A. Gia tăng tuần hoàn, giảm đau, đơ vùng mặt
1. Massage vùng mặt: Massage mặt trước và sau mỗi lần tập vận động.
- Dùng dầu hoặc phấn (lượng vừa phải, tránh rơi vào mắt NB) để vào lòng bàn tay KTV.
- Vuốt nhẹ nhàng từ góc cằm lên trán, lập lại 3 – 5 lần
- Xoa từ cằm theo hướng xoay tròn và lên trên đến vùng trán, lập lại 3-5 lần
- Nhấc cơ gò má theo hướng từ dưới góc cằm lên đến đuôi mắt, lặp lại 3- 5 lần
- Lặp lại qui trình trên lần nữa.
2. Điện trị liệu:
- Sóng ngắn, siêu âm, laser.
B. Tái rèn luyện thần kinh – cơ
- Kích thích đá ( 3-10 ngày đầu).
- Kích thích điện (khơi gợi hoạt động của từng cơ theo chức năng, ngăn ngừa teo cơ):
Dùng điện cực bút, đặt lên điểm vận động của từng cơ : cơ Nhăn trán, cơ nhíu mày, cơ vòng mắt , cơ mảnh khảnh+ nâng mũi, cơ nâng môi trên, cơ hạ môi dưới. Mỗi cơ kích thích cơ 3 – 5 lần. Lặp lại 3 lần/ 1 lần tập.
C. Gia tăng lực cơ các cơ yếu vùng mặt:
Vận động trị liệu :
Tập luyện vận động thụ động -> vận động chủ động có trợ giúp -> vận động chủ động các cơ yếu theo chức năng.
- Tập cho cơ nhăn trán: KTV dùng 2 ngón tay trỏ đặt trên trán BN phía trên chân mày khoảng 1/3 giữa trán, BN nhăn trán lên, KTV tạo 1 lực kéo cơ bên liệt lên( trán sẽ có nếp nhăn ngang), giữ lại 3- 5 giây. Lặp lại 7- 10 lần/ 1 lần tập.
- Tập cho cơ nhíu mày: KTV dùng 2 ngón trỏ đặt tại đầu mày đẩy 2 đầu mày lại gần nhau, BN châu mày lại, giữ lại 3-5 giây. Lặp lại 7- 10 lần.
- Tập cho cơ vòng mi: KTV dùng ngón cái và ngón trỏ đặt ở ½ ngoài mắt, bảo BN nhắm mắt đồng thời 2 ngón tay khép lại và kéo ra ngoài tạo cảm giác nhắm mắt cho BN, giữ lại 3-5 giây. Lập lại 7-10 lần.
- Tập cho cơ mảnh khảnh + cơ nâng mũi: BN làm cử động hỉnh mũi (nhăn mũi lên). KTV đặt 2 ngón trỏ 2 bên sống mũi, kéo lên theo hướng cơ bên mạnh, giữ lại 3-5 giây. Lặp lại 7- 10 lần/ 1 lần tập.
Tiếp theo:
- Tập cho cơ vòng môi: BN chu môi (làm cử động hôn). KTV dùng ngón cái và ngón trỏ giữ bên môi mạnh, ngón trỏ và ngón cái tay còn lại trợ giúp cho bên yếu, giữ lại 3-5 giây. Lặp lại 7-10 lần/ 1 lần tập. Chú ý, giữ môi ở giữa và cân đối.
- Cơ nâng môi trên: BN nhếch môi trên lên. KTV đặt ngón trỏ ở phía trên môi trên, giữa mũi và môi, tạo lực kéo giúp môi bên yếu lên, giữ lại 3-5 giây. Lập lại 7- 10 lần/ 1 lần tập.
- Cơ hạ môi dưới: BN làm cử động trề môi. KTV dùng 2 ngón cái đặt ở góc cằm bên yếu hỗ trợ kéo cơ xuống, giữ lại 5-10 giây. Lặp lại 7 – 10 lần.
Bài tập về nhà
- Tự massage trước gương.
- Tập lại các cử động trên trước gương 3-5 lần / 1 cử động, 2-3 lần/ 1 ngày.
- Tập nhai bên yếu: nhai thức ăn, chewinggum.
- Tập thổi lửa, huýt sáo, mút, hút bằng ống hút.
- Tập luyện chủ động các cơ vùng mặt bằng các bài tập chức năng ( nhai, mút, thổi…)
Những điều cần nhớ:
- Mang kính râm khi ra đường.
- Không xem tivi thời gian dài.
- Không đọc sách thời gian dài.
- Che mắt bên liệt bằng gạc sach khi ngủ, tránh để mắt khô (nhỏ mắt bằng dung dịch NaCl 0,9%)
- Kiểm tra mắt thường xuyên.
- Giữ ấm mặt, cổ.
- Rửa mặt bằng nước ấm : xoa 2 bên mặt theo vòng tròn từ dưới lên tránh làm chảy xệ các cơ mặt.
- Không để quạt trực tiếp khi ngủ.
- Không đi mưa, đi gió.
- Không nên cười lớn.
- Tránh căng thẳng về tâm lý
- Phải tuân thủ chương trình về nhà đã huấn luyện.
Chú ý:
- Trong giai đoạn cấp (3 ngày đầu), BN nên nghỉ ngơi, uống thuốc theo toa bác sĩ, phòng ngừa các biến chứng cho mắt, tai và cơ mặt bên liệt.
- Sau 3 ngày sẽ bắt đầu điều trị vật lý trị liệu với kích thích cơ mặt bằng đá kết hợp vận động trị liệu.
- Sau 10 ngày nếu chưa phục hồi sẽ áp dụng các hình thức điện trị liệu như kích thích điện, siêu âm, sóng ngắn, Laser và tập vận động trị liệu.
- Nguồn: Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện 1A.
Tham khảo thêm một số hội chứng và bệnh thường gặp có liên quan:
- Máy siêu âm điều trị các bệnh xương khớp
- Bệnh viêm gân
- Cách điều trị bệnh Gout ( gút )
- [ TOP ] Bệnh Viện Và Phòng Khám Điều Trị Vật Lý Trị Liệu Tốt Nhất Ở TP.HCM 2021
- Viêm khớp thái dương hàm
- Co thắt cơ và những nguy cơ tiềm ẩn?
- Điều trị Gai cột sống
- Tê bì chân tay và Giải pháp
- Hội chứng cổ vai cánh tay
- Hội chứng đau vai gáy
- Vật lý trị liệu đau lưng
- Viêm đa khớp dạng thấp
- Thoái hóa khớp gối
- Siêu âm trị liệu
- Thoái hóa cột sống cổ
- Đau mỏi cổ vai gáy
- Thoái hóa cột sống thắt lưng
- Suy van tĩnh mạch trị như thế nào?
- Máy siêu âm điều trị giá bao nhiêu
- Vì sao bị tắc sữa?
- Điều trị tắc sữa như thế nào ?
- Thông tắc sữa tại nhà
- Trị viêm tuyến sữa bằng siêu âm
- Điều trị siêu âm tắc tia sữa
- Phòng ngừa tắc tia sữa ở bà mẹ cho con bú
Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!