Thấu nhiệt cao tần – sóng ngắn – vi sóng – Tecar – RF

Nhiệt trị liệu là một phương pháp vật lý trị liệu lâu đời, sử dụng nhiệt độ để kích thích tuần hoàn máu, giảm đau và hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể. Bằng cách ứng dụng các nguồn nhiệt khác nhau như sóng cao tần, hồng ngoại, nước nóng,… nhiệt trị liệu giúp thư giãn cơ bắp, cải thiện chức năng khớp và tăng cường quá trình trao đổi chất. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ y học, phương pháp này được sử dụng rộng rãi trong điều trị đau nhức cơ xương khớp và đóng vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe toàn diện.

THẤU NHIỆT CAO TẦN

Cơ sở lý thuyết của Thấu nhiệt cao tần – sóng RF

Nếu cần tăng nhiệt tại một vùng tổ chức rộng, nằm sâu dưới da, thấu nhiệt cao tần sẽ là lựa chọn ưu tiên. Nó gồm hai kỹ thuật: thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt vi sóng. Sóng ngắn thường dùng trong lâm sàng với các tần số 27,12 MHz (bước sóng 11 m) và 13,56 MHz (bước sóng 22 m); còn vi sóng với các tần số 2456 MHz (bước sóng 12 cm) và 915 MHz (bước sóng 33 cm). Thấu nhiệt cao tần làm tăng nhiệt độ trong cơ thể nhờ sự biến đổi năng lượng điện từ thành nhiệt năng. Điều đó dẫn tới các tác dụng điển hình của nhiệt trị như giãn mạch, giảm đau, tăng chuyển hóa, kích thích lành vết thương…

Do đó tác dụng của thấu nhiệt cao tần trên các hệ thống chức năng hầu như tương tự siêu âm, cũng là một kỹ thuật tăng nhiệt sâu. Dưới đây là một số ưu điểm của thấu nhiệt cao tần so với các kỹ thuật nhiệt trị khác, kể cả siêu âm.

Tác dụng trên các hệ chức năng

Hệ da:

Nếu da và tổ chức dưới da nhạy cảm và không dung nạp với tấm đắp ẩm, gel siêu âm hoặc áp lực từ đầu siêu âm, cần chọn thấu nhiệt cao tần.

Hệ cơ xương khớp:

Khi cần điều trị một vùng một diện tích lớn hoặc bề mặt không bằng phẳng, như vùng bả vai hoặc khớp gối, thấu nhiệt cao tần là chọn lựa thích hợp hơn siêu âm. Ngoài ra sự cung cấp nhiệt lượng hằng định hơn và sự giảm nhiệt sau điều trị chậm hơn cũng là các ưu thế của sóng ngắn và vi sóng.

Hệ thần kinh cơ:

Ngoài các cơ chế giảm đau thông thường của một mô thức nhiệt trị, thấu nhiệt cao tần còn có tác dụng tâm lý nổi trội so với một số kỹ thuật khác.

Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt

Thấu nhiệt cao tần là phương pháp dùng năng lượng điện từ tần số cao chủ yếu để sinh nhiệt trong các tổ chức sinh học. Nhiệt được sinh ra do sức kháng của tổ chức đối với dòng năng lượng đi qua nó. Sóng điện từ cao tần cũng có thể tạo ra một số hiệu ứng phi nhiệt.

Thấu nhiệt cao tần được chia làm hai loại: thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt vi sóng. Thấu nhiệt sóng ngắn có thể hoạt động với chế độ liên tục hoặc chế độ xung. Thấu nhiệt sóng ngắn liên tục đã được dùng trong lâm sàng từ lâu. Trong khi thấu nhiệt sóng ngắn xung là một ứng dụng tương đối mới. Khoảng 20 – 30 năm trước, tại các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada hoặc Úc, thấu nhiệt cao tần ít được dùng trong lâm sàng. Tại đó một số nhà vật lý trị liệu trẻ thậm chí chưa từng thấy một thiết bị cao tần.

Sóng ngắn trị liệu chính là sử dụng một máy phát sóng vô tuyến để điều trị bệnh. Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ qui định 3 tần số cho các thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu dùng trong điều trị: 27,12 MHz (tương ứng bước sóng 11 m); 13,56 MHz (tương ứng bước sóng 22 m); và 40,68 MHz ((tương ứng bước sóng 7,5 m), mặc dù tần số này ít được dùng. Ngày hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu ngọn ngành về sóng ngắn trị và kĩ thuật điều trị đúng cách, hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, khoảng 5 – 10 năm nay, xuất hiện sự quan tâm mới tới phương pháp. Với nhiều nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đưa ra nhiều mẫu thiết bị xung. Giúp phương pháp trở nên an toàn và hiệu quả hơn.

Hiệu quả của thấu nhiệt cao tần phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và khả năng của nhà trị liệu. Cụ thể hơn, thành công của phương pháp đòi hỏi sự đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và sự thấu hiểu hình thái tạo nhiệt từ các loại điện cực khác nhau. Tuy biết độ xuyên sâu của sóng điện từ cao tần lớn hơn các mô thức hồng ngoại, nhưng nhiều nhà trị liệu không rõ nó có đủ sâu để điều trị các tổn thương cơ xương khớp hay không. Trên thực tế, những nghiên cứu mới cho thấy, thấu nhiệt sóng ngắn xung tạo được cùng mức tăng nhiệt tại cùng một độ sâu như siêu âm 1 MHz.

1. Hiệu ứng nhiệt – Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt trong sóng ngắn trị liệu

Các phương pháp thấu nhiệt cao tần không thể khử cực màng tế bào và tạo sự co cơ vì bước sóng quá nhỏ. Tác dụng sinh lý cơ bản của thấu nhiệt liên tục là hiệu ứng nhiệt. Xuất hiện do dao động cao tần của các phân tử, nhất là phân tử nước.

Chính vì vậy, lợi ích cơ bản của thấu nhiệt cao tần liên quan trực tiếp với nhiệt. Như tăng nhiệt độ tại tổ chức chịu tác động, tăng tuần hoàn ngoại biên, giãn mạch, tăng khả năng lọc và khuếch tán qua màng tế bào và các vách ngăn, tăng tốc độ chuyển hóa, thay đổi một số phản ứng enzyme, thay đổi các tính chất vật lý của tổ chức sợi (như tại gân, khớp và sẹo), giảm cứng khớp, tạo thư giãn cơ, tăng ngưỡng đau và kích thích lành vết thương.

Liều điều trị trong thấu nhiệt cao tần không cần kiểm soát thật chính xác. Và lượng nhiệt do cơ thể hấp thụ cũng không thế đo đạc hoặc tính toán thật cụ thể.

Nhiệt xuất hiện tỷ lệ thuận với bình phương mật độ dòng và trở kháng của tổ chức:

Nhiệt    =    (Mật độ dòng)2  x   Trở kháng

Từ 1965, Lehmann đã thấy rằng, nhiệt độ tăng 1oC có thể giảm viêm nhẹ và tăng chuyển hóa. Còn tăng vừa phải, khoảng 2 – 3oC, có thể giảm đau và giảm co thắt cơ. Nhiệt tăng khoảng 3 – 4oC làm tăng độ kéo giãn tổ chức. Cho phép điều trị các tổn thương mô liên kết mạn tính.

Cần lưu ý rằng, không có sự đồng thuận về mức nhiệt cần thiết để tăng độ đàn hồi tổ chức. Một quan điểm cho rằng, nhiệt độ tổ chức phải cao hơn 38 – 40oC. Trong khi quan điểm khác nhấn mạnh, mức tăng 3 – 4oC trên mức nền là tối ưu. Mặc dù chưa có nghiên cứu khẳng định ưu thế của quan điểm nào. Cần thấy rằng, mức nhiệt càng tăng thì độ đàn hồi của collagen càng lớn.

Nguyên nhân một số bệnh lý đáp ứng tốt hơn với thấu nhiệt cao tần so với các dạng nhiệt sâu khác. Chẳng hạn siêu âm, chưa được hiểu rõ. Có thể nó liên quan với kỹ năng ứng dụng của nhà trị liệu hoặc tác dụng tâm lý (sham) hơn là bản thân phương pháp can thiệp.

2. Hiệu ứng phi nhiệt – Phản ứng sinh lý đối với thấu nhiệt

Thấu nhiệt sóng ngắn chế độ phát xung cũng có thể tạo các hiệu ứng phi nhiệt trong cơ thể. Với cơ chế giả định xuất hiện ở mức điện thế màng tế bào. Các tế bào tổn thương bị khử cực, dẫn tới các rối loạn chức năng như giảm khả năng phân chia và di cư tế bào. Do đó giảm khả năng tái sinh. Sóng ngắn xung được cho là có khả năng tái phân cực tế bào, giúp khôi phục các chức năng sinh lý bình thường.

Cũng có giả thuyết cho rằng ion Na+ có xu hướng tích tụ trong tế bào vì hoạt tính bơm Na+-K+ giảm trong quá trình viêm, tạo nên một môi trường gian bào âm hơn bình thường. Khi có mặt từ trường do sóng ngắn xung, bơm Na+-K+ tái hoạt hóa, cho phép tế bào khôi phục sự cân bằng ion lành mạnh.

1. Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu

Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn gồm bộ nguồn cung cấp năng lượng cho bộ dao động tần số vô tuyến (hình 6.1). Bộ dao động này cung cấp các dao động ổn định, không méo tại các tần số yêu cầu. Bộ khuếch đại công suất tạo năng lượng đưa tới các điện cực. Bộ cộng hưởng đầu ra cho phép mức công suất tối ưu được truyền tới cơ thể người bệnh.

Hình 6.2 là bảng điều khiển của thiết bị. Nút cường độ ra kiểm soát mức công suất đặt lên các điện cực. Nó tương tự nút điều chỉnh âm thanh trên chiếc radio. Nút vi chỉnh điều chỉnh mạch đầu ra để thu được mức năng lượng tối đa từ bộ dao động tần số radio, tương tụ nút vi chỉnh trong đài bán dẫn. Đồng hồ công suất ra đo dòng điện từ bộ nguồn chứ không phải mức năng lượng tác động cơ thể người bệnh. Vì vậy nó chỉ xác định mức năng lượng dùng trong điều trị một cách gián tiếp.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị
Hình 6.1: Cấu trúc nguyên lí của thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu.

Công suất đầu ra của thiết bị sóng ngắn cần đủ lớn để tạo được sự tăng nhiệt tổ chức đáp ứng nhu cầu điều trị. Tốc độ hấp thụ riêng SAR (specific absorption rate) biểu diễn tốc độ năng lượng hấp thụ trên một đơn vị diện tích của mô chịu tác động. Hầu hết thiết bị sóng ngắn có công suất đầu ra nằm trong khoảng 80 – 120 W.

Một số thiết bị không có khả năng điều chỉnh như vậy. Nên an toàn và đơn giản hơn nhưng cũng kém hiệu quả hơn. Cần nhấn mạnh rằng, sự tăng nhiệt độ mô có thể vượt mức cần thiết. Dẫn tới sự tăng tuần hoàn mạnh, nên sau đó lại làm giảm nhiệt độ tại vùng cần tác động. Do dòng máu lưu thông sẽ phát tán nhiệt ra môi trường xung quanh.

Cảm giác của bệnh nhân là cơ sở để xác định liều lượng thấu nhiệt sóng ngắn liên tục. Và do đó sẽ khác nhau với các bệnh nhân khác nhau.

Dưới đây là cách xác định liều thấu nhiệt:

            Mức I (thấp nhất):      Không có cảm giác nhiệt

            Mức II (thấp):             Cảm giác nhiệt nhẹ

            Mức III (trung bình):  Cảm giác nhiệt vừa phải (dễ chịu)

            Mức IV (nặng):           Cảm giác nhiệt rất mạnh, ngay dưới mức đau

Trong thực hành, ban đầu thường đặt cường độ đầu ra ở mức 30 – 40% so với cường độ tối đa của thiết bị. Rồi xác định cảm giác nhiệt của bệnh nhân để lựa chọn liều thấu nhiệt phù hợp với mục tiêu điều trị.

Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu tạo ra dòng điện cao tần. Đến lượt mình, dòng cao tần này tạo ra điện trường và từ trường trong tổ chức sinh học. Tỷ số của điện trường so với từ trường phụ thuộc vào loại thiết bị và đặc trưng của các điện cực. Tại tần số 13,56 MHz, thiết bị tạo từ trường mạnh hơn. Còn tại tần số 27,12 MHz, thiết bị tạo điện trường lớn hơn. Phần lớn các thiết bị sóng ngắn xung dùng điện cực dạng trống và tạo ra từ trường mạnh hơn.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị
Hình 6.2: A. Thiết bị sóng ngắn trị liệu. B. Bảng điều khiển: A, công tắc nguồn; B, đồng hồ; C, đồng hồ công suất ra (đo dòng từ bộ nguồn); D, cường độ ra (kiểm soát phần trăm công suất cực đại tác động bệnh nhân); và E, vi chỉnh (vi chỉnh mạch đầu ra để thu được năng lượng cực đại từ bộ dao động)

2. Điện cực sóng ngắn – Sóng ngắn trị liệu và kỹ thuật điều trị

Máy bị thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu dùng các điện cực kiểu tụ điện và kiểu cuộn cảm. Mỗi loại điện cực có thể tác dụng lên các tố chức khác nhau. Và việc chọn đúng loại điện cực là yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp.

Ngoài ra loại và hình dạng điện cực cũng có thể khác nhau, như điện cực tấm, điện cực cáp hoặc điện cực dạng trống.

Điện cực kiểu tụ điện:

Kỹ thuật điện dung, dùng trong các điện cực kiểu tụ điện, tạo ra điện trường mạnh hơn từ trường. Do dùng kỹ thuật điện dung, nên các điện cực này bao giờ cũng có hai điện cực trái dấu nhau. Như đã thấy từ chương 5, trong cơ thể có nhiều ion dương và âm tự do. Điện cực dương đẩy ion dương và hút ion âm; còn điện cực âm thì ngược lại.

Điện cực tụ điện tạo ra điện trường với các đường sức tác động lên hệ ion giữa hai điện cực. (hình 6.3). Cường độ điện trường do khoảng cách giữa hai điện cực qui định, khoảng cách càng nhỏ cường độ điện trường càng lớn. Điện trường ở tâm cặp điện cực lớn hơn ở ngoại biên. Khi dùng điện cực kiểu tụ điện, bộ phận cơ thể cần tác động đặt giữa hai điện cực và trở thành một phần của hệ mạch điện, như một bộ phận của hệ mạch mắc nối tiếp.

Khi điện trường được tạo ra trong tổ chức sinh học, phần tổ chức có trở kháng với dòng cao tần lớn nhất sẽ tăng nhiệt nhiều nhất. Tổ chức nhiều mỡ có trở kháng lớn hơn và do đó sẽ tăng nhiệt nhiều hơn dưới tác dụng của điện trường. Đây chính là đặc trưng của các điện cực kiểu điện dung.

Tấm cách không khí:

Tấm cách không khí (air space plates) là minh họa của kỹ thuật điện dung (tạo điện trường mạnh hơn) dùng trong các điện cực kiểu tụ điện. Dạng điện cực này dùng hai tấm kim loại đường kính 7,5 – 17,5 cm, có lớp bảo vệ bằng thủy tinh hoặc chất dẻo. Tấm kim loại có thể nằm sâu 3 cm trong lớp bảo vệ, cho phép thay đổi khoảng cách từ nó tới da (hình 6.4).

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị các loại điện cực
Hình 6.4: Các điện cực kiểu tấm cách không khí gồm hai tấm kim loại bọc trong lớp bảo vệ 3 cm.
Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị trong khớp vai
Hình 6.5: Điều trị vùng bả vai bằng điện cực tấm cách không khí.

Khi dùng các tấm cách không khí, vùng điều trị đặt giữa hai điện cực trở thành một bộ phận của mạch ngoài (hình 6.5). Cảm giác nhiệt có xu hướng tỷ lệ thuận với khoảng cách từ tấm kim loại tới da; khoảng cách càng nhỏ, năng lượng truyền tải càng lớn. Tuy nhiên cần nhớ rằng, khoảng cách nhỏ hơn sẽ tạo nhiệt lớn hơn tại các tổ chức bề mặt như da và mỡ dưới da.

Vì sự tăng nhiệt lớn nhất tại các điện cực, nên phương pháp này thích hợp với tổn thương tại các tổ chức ít mỡ dưới da, như bàn tay, bàn chân, cổ tay hoặc cổ chân. Bệnh nhân gầy ốm nên dùng kĩ thuật này. Nó cũng thích hợp để điều trị các bệnh lý tại cột sống hoặc xương sườn, là những vùng ít tổ chức mỡ dưới da.

Điện cực tấm:

Tuy ít được dùng trong lâm sàng, nhưng một số thiết bị cũng có loại điện cực này. Chúng là loại điện cực tụ điện đúng nghĩa nhất và phải buộc cố định vào cơ thể để có thể tạo nhiệt sâu hiệu quả, cũng như để phòng ngừa bỏng (hình 6.6). Giữa các tấm điện cực và cơ thể phải có nhiều lớp khăn bảo vệ. Hai điện cực phải cách nhau đủ xa, tối thiếu bằng đường chéo của điện cực. Điện cực càng gần nhau, vùng tăng nhiệt độ càng nằm sát bề mặt da. Tăng khoảng cách giữa hai điện cực sẽ tăng độ sâu của vùng tăng nhiệt (hình 6.7). Vùng cần điều trị cần nằm giữa hai điện cực.

Thiết bị sóng ngắn và kỹ thuật điều trị điện cực màu đen đặt trên lưng
Hình 6.6: Điện cực tấm của máy sóng ngắn trị liệu.
Hình 6.7: Các điện cực tấm phải cách nhau đủ xa. A. Đặt điện cực gần nhau sẽ tăng nhiệt tại vùng tổ chức bề mặt. B. Khi khoảng cách tăng, mật độ dòng tăng tại các vùng sâu hơn.

Điện cực kiểu cảm ứng:

Kỹ thuật cảm ứng, dùng trong các điện cực kiểu cuộn cảm, tạo ra từ trường mạnh hơn điện trường. Khi kỹ thuật cảm ứng được dùng trong thấu nhiệt sóng ngắn, dây cáp hoặc cuộn cảm được quấn quanh chi hoặc trong một điện cực. Dù trong trường hợp nào, khi dòng điện đi qua cuộn dây, từ trường sinh ra có thể tác động các tổ chức xung quanh bằng cách sinh ra các dòng điện thứ cấp định xứ, gọi là dòng xoáy, tại tổ chức chịu tác động (hình 6.8). Các dòng điện xoáy và các dao động liên phân tử tại vùng tổ chức chịu tác động sẽ sinh ra nhiệt.

Hình 6.8: Khi dòng điện chạy qua cuộn dây, từ trường sinh ra sẽ tác động tổ chức xung quanh nhờ tạo ra các dòng thứ cấp định xứ, gọi là dòng xoáy.

Trong kỹ thuật cảm ứng, bệnh nhân nằm trong từ trường và không phải là một hợp thành của mạch điện. Các mô sắp xếp theo kiểu song song, nên có trở kháng nhỏ và cường độ dòng điện lớn. Dưới tác dụng của từ trường, mỡ không có trở kháng lớn. Vì thế các tổ chức nhiều chất điện giải, như cơ hoặc máu, sẽ đáp ứng tốt với từ trường để sinh nhiệt. Do đó điện cực cảm ứng thích hợp để điều trị các tổn thương sâu. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, cảm giác nhiệt của bệnh nhân không rõ ràng vì từ trường hầu như không tạo cảm giác nhiệt trên da như điện trường.

Điện cực cáp:

Điện cực cáp là một kiểu điện cực cảm ứng tạo ra từ trường (hình 6.9). Có hai kiểu xếp điện cực cáp chủ yếu: kiểu bánh nướng và kiểu quấn vòng quanh. Trong kiểu bánh nướng, đường kính vòng nhỏ nhất phải lớn hơn 15 cm. Trong bất cứ kiểu xếp điện cực nào, phải có lớp khăn dày tối thiểu 1 cm giữa dây cáp và bề mặt da. Khoảng cách giữa các vòng quấn nên đạt 5 – 10 cm. Khoảng cách quá gần tạo đoản mạch và sự quá nhiệt.

Cả hai cách đều có thể tạo nhiều nhiệt hơn điện cực trống hoặc tấm cách không khí. Thiết bị thấu nhiệt tạo sóng tần số 13,56 MHz là loại thích hợp nhất với kiểu điện cực này, vì tần số thấp có khả năng tạo từ trường tốt hơn.

Hình 6.9: Điện cực cáp kiểu bánh nướng.

Điện cực dạng trống:

Điện cực dạng trống cũng là loại điện cực cảm ứng, nên tạo ra từ trường hơn là điện trường. Điện cực dạng trống chế tạo từ một hoặc nhiều cuộn cảm đơn diện, được cố định chặt  trong một hộp chứa (hình 6.10). Để điều trị vùng diện tích nhỏ, chỉ cần một trống. Với vùng diện tích lớn, có thể dùng nhiều trống treo trên cánh tay của thiết bị.

Hình 6.10: Điện cực dạng trống.

Độ xuyên sâu đối với điện cực dạng trống vào khoảng 2 – 3 cm, nếu da không cách mặt trống hơn 1 – 2 cm. Từ trường có thể có giá trị đủ lớn tại khoảng cách 5 cm từ bề mặt trống. Cần đặt tấm khăn mỏng giữa điện cực và bề mặt da. Ngoài việc bảo vệ thông thường, nó còn được dùng để hấp thụ độ ẩm vì sự tích tụ nước sẽ tạo ra sự quá nhiệt và bỏng da. Nếu có lớp mỡ dày hơn 2 cm, không thể tăng nhiệt đến mức yêu cầu tại các lớp tổ chức bên dưới, vì độ xuyên sâu cực đại của sóng ngắn với điện cực trống chỉ là 3 cm. Vì thế để tăng sự hấp thụ năng lượng, có thể đặt điện cực tiếp xúc trực tiếp với lớp khăn bảo vệ phủ trên da.

3. Thấu nhiệt sóng ngắn xung – Sóng ngắn trị liệu và kỹ thuật điều trị

Thấu nhiệt sóng ngắn xung là một phương pháp tương đối mới. Nó được tạo ra bằng cách ngắt quãng thấu nhiệt sóng ngắn liên tục tại các thời điểm nhất định (hình 6.11). Khi đó năng lượng được truyền tải tới bệnh nhân nhờ các bó xung tần số cao. Các bó xung này có độ rộng xung nhỏ, khoảng 20 – 400 μs, nên cường độ đạt tới 1000 W trên mỗi xung. Tần số các bó xung nằm trong khoảng 1 – 7000 Hz.

Thời gian tắt xung thường lớn hơn thời gian mở xung; và vì cường độ khi có xung lớn, nên thời gian tắt xung cần đủ dài để nhiệt lượng dư thừa có thể phát tán ra môi trường xung quanh. Điều đó cho phép tạo ra nhiệt độ tổ chức đủ cao, trong khi cảm giác nhiệt của bệnh nhân chỉ ở mức tối thiểu.

Hình 6.11: Thấu nhiệt sóng ngắn xung.

Thấu nhiệt sóng ngắn xung được cho là có ý nghĩa trong điều trị vì tạo ra các hiệu ứng phi nhiệt với sự tăng nhiệt tối thiểu, phụ thuộc vào cường độ áp dụng. Tuy nhiên thấu nhiệt xung vẫn có tác dụng nhiệt. Khi dùng với cường độ cao để sự tăng nhiệt tại tổ chức đủ lớn, nó hoàn toàn không khác thấu nhiệt liên tục. Các điều trị thành công thường dùng mức cường độ và thời gian điều trị lớn, nên các hiệu ứng nhiệt lấn át các hiệu ứng phi nhiệt.

Với thấu nhiệt sóng ngắn xung, công suất trung bình là số đo khả năng sinh nhiệt. Nó được tính bằng cách lấy công suất đỉnh xung chia cho thời gian mở xung tính theo phần trăm.

Chu kì xung  =  Độ rộng xung  +  Khoảng cách xung

=  Thời gian mở xung  +  Thời gian tắt xung

Phần trăm thời gian mở  xung  =  Độ rộng xung (ms) / Chu kỳ xung (ms)

Công suất trung bình  =  Công suất đỉnh xung (W) / Phần trăm thời gian mở  xung

Với thấu nhiệt sóng ngắn chế độ xung, công suất trung bình thường thấp hơn công suất của chế độ liên tục.

Hình 6.12: Thiết bị thấu nhiệt sóng ngắn xung.

Thiết bị sóng ngắn xung thường dùng điện cực trống (hình 6.12). Điện cực trống dùng với chế độ xung hoàn toàn giống dùng với chế độ liên tục. Năng lượng tạo ra tại vùng điều trị xuất phát từ từ trường của các điện cực.

4. Thời gian điều trị – Sóng ngắn trị liệu và kỹ thuật điều trị

Thực tế chứng tỏ, thời gian điều trị 15 phút là đủ để tạo sự tăng nhiệt rõ rệt tại cơ tam đầu trên người. Thời gian điều trị 20 – 30 phút thích hợp với mọi vùng tổ chức cần tác động. Các tác dụng sinh lý, nhất là tăng tuần hoàn, có thể kéo dài 30 phút sau điều trị.

Thời gian điều trị lớn hơn 30 phút có thể tạo phản ứng ngược do sự co mạch phản xạ. Nếu cần dùng quá 30 phút, nên kiểm tra nhiệt độ ngón tay hoặc ngón chân, tùy thuộc loại chi được điều trị. Thực tế cho thấy, dùng thấu nhiệt xung tại vùng cơ tam đầu tạo sự tăng nhiệt cực đại sau 15 phút tác động, sau đó giảm 0,3oC trong khoảng thời gian từ phút thứ 15 tới phút thứ 20. Đó là kết quả của sự tăng tuần hoàn. Dòng máu lưu thông tăng lên khiến một lượng nhiệt bị phát tán, nên nhiệt độ giảm đi. Đó là cơ chế chống tăng nhiệt tự nhiên của cơ thể. Vì thế khó tăng nhiệt của cơ hơn các tổ chức ít mạch máu.

Không nên quên rằng, khi nhiệt độ da tăng, trở kháng sẽ giảm. Và thiết bị cần được điều chỉnh sau mỗi 5 – 10 phút điều trị.

5. Ứng dụng thấu nhiệt cao tần trong lâm sàng – Sóng ngắn trị liệu và kỹ thuật điều trị

Trong hầu hết trường hợp, khả năng ứng dụng của thấu nhiệt sóng ngắn. Và vi sóng tương tự như các tác nhân tạo nhiệt khác trong lâm sàng, như siêu âm hoặc các mô thức hồng ngoại.

Cũng như với thấu nhiệt sóng ngắn xung, thấu nhiệt vi sóng xung cũng có một số tác dụng phi nhiệt. Tuy nhiên các nghiên cứu RCT tiêu chuẩn chưa ủng hộ các tác dụng này.

Thấu nhiệt cao tần có thể dùng để điều trị các bệnh lý cơ xương khớp. Như căng cơ, bầm nề, giãn gân, viêm khớp, đặc biệt các chứng đau… Bảng 6.1 dưới đây là các chỉ định và phản chỉ định chủ yếu của phương pháp:

Ứng dụng thấu nhiệt cao tần trong lâm sàng

Bảng 6.1: Chỉ định và phản chỉ định chủ yếu của thấu nhiệt cao tần.

Trong lâm sàng, có nhiều loại bệnh lý mà thấu nhiệt cao tần là chọn lựa ưu tiên so với các phương pháp tăng nhiệt khác. Dưới đây là một số nguyên tắc chọn lựa:

  1. Nếu da và tổ chức dưới da nhạy cảm và không dung nạp với tấm đắp ẩm, gel siêu âm hay áp lực từ đầu siêu âm, cần chọn thấu nhiệt cao tần.
  2. Cả thấu nhiệt sóng ngắn và vi sóng đều có thể tăng nhiệt tại các cấu trúc sâu hơn so với các mô thức hồng ngoại.
  3. Khi mục đích điều trị là tăng nhiệt tại một diện tích lớn. Như vùng bả vai, thấu nhiệt cao tần là chọn lựa ưu tiên.
  4. Khi vùng tổ chức nằm dưới lớp mỡ dầy dưới da là mục tiêu tác động. Cần dùng kỹ thuật cảm ứng với điện cực cáp hoặc điện cực trống để tối thiểu hóa sự tăng nhiệt tại lớp mỡ dưới da. Kỹ thuật điện dung với cả hai loại thấu nhiệt cao tần là chọn lựa tối ưu cho các lớp tổ chức bề mặt.
  5. Không nên đánh giá thấp vai trò của tác dụng tâm lý trong các liệu pháp thấu nhiệt cao tần.

6. So sánh thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt siêu âm – Sóng ngắn trị liệu và kỹ thuật điều trị

Siêu âm điều trị sẽ được thảo luận trong chương 7 tiếp theo. Cả sóng ngắn và siêu âm đều là các phương pháp hiệu quả. Để tăng nhiệt tại các tổ chức bề mặt và tổ chức dưới sâu. Tuy nhiên siêu âm có độ phổ dụng cao hơn sóng ngắn. Thống kê tại Canada và Australia cho thấy. Chỉ có 0,6 và 8% kĩ thuật viên vật lý trị liệu dùng sóng ngắn hàng ngày. Trong khi con số với siêu âm là 94 và 93%.

Một số nghiên cứu mới cho thấy, thấu nhiệt sóng ngắn hiệu quả hơn siêu âm trong nhiều loại bệnh lý. Để khảo sát tốc độ tăng nhiệt trong liệu trình thấu nhiệt sóng ngắn xung và sự giảm nhiệt độ sau đó. Một nhiệt kế 23 mức chia độ được cấy sâu 3 cm trong vùng trước cơ tam đầu giữa trái được gây tê của 20 người tình nguyện (hình 6.17). Thấu nhiệt sóng ngắn xung được dùng trong 20 phút tại tần số 800 Hz, độ rộng xung 400 μs, công suất 150 W. Sự thay đổi nhiệt độ được ghi sau mỗi 5 phút trong quá trình điều trị (hình 6.18).

Nhiệt độ nền trung bình ghi được là 35,8oC. Và nhiệt độ đạt giá trị cực đại 39,8oC sau 15 phút. Trước khi giảm đi 0,3oC trong 5 phút cuối cùng. Sau khi chấm dứt điều trị, nhiệt độ trong cơ giảm 1oC trong 5 phút đầu và giảm tiếp 1,8oC tại phút thứ 10. Những số liệu đó cho thấy, thấu nhiệt sóng ngắn xung có khả năng tạo nhiệt tương đương siêu âm 1 MHz (với mật độ công suất 1 W/cm2, nhiệt độ tăng 4oC sau 12 phút tại độ sâu 3 cm trong cơ) (hình 6.19).

Hình 6.17: Nhiệt kế 23 mức chia độ được cấy trong cơ tam đầu.
So sánh thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt siêu âm
Hình 6.18: Dùng điện cực dạng trống trên vùng cơ cấy nhiệt kế.
So sánh thấu nhiệt sóng ngắn và thấu nhiệt siêu âm
Hình 6.19: Sự thay đổi nhiệt độ trong cơ với sóng ngắn và với siêu âm 1 MHz. Sự tăng nhiệt độ như nhau với hai mô thức, nhưng nhiệt độ cơ dưới tác dụng của sóng ngắn trị liệu được duy trì lâu hơn siêu âm 2 – 3 lần.

Tuy nhiên thấu nhiệt sóng ngắn có ưu thế so với siêu âm trong một số tình huống như sau:

  1. Vì bề mặt điện cực trống trong thấu nhiệt sóng ngắn lớn hơn diện tích đầu phát siêu âm. Nên sóng ngắn có thể làm nóng một vùng tổ chức lớn hơn khá nhiều (diện tích tăng nhiệt của điện cực trống tiêu chuẩn khoảng 200 cm2. Lớn hơn của siêu âm tới 25 lần).
  2. Không giống siêu âm có tốc độ làm nóng thay đổi do đầu phát di chuyển liên tục trên bề mặt da. Điện cực sóng ngắn đặt cố định nên có thể tác động vùng cần can thiệp một cách ổn định.
  3. Nhiệt độ tổ chức sau can thiệp bằng thấu nhiệt sóng ngắn giảm chậm hơn sau siêu âm 2 – 3 lần. Điều đó cho phép kỹ thuật viên thực hiện kéo giãn, mát-xa ma sát. Hoặc kéo nắn khớp trước khi nhiệt độ giảm xuống dưới mức hiệu quả.
  4. Thấu nhiệt sóng ngắn không đòi hỏi phải theo dõi thiết bị và bệnh nhân thường xuyên như siêu âm. Do đó nhà trị liệu có thể điều trị nhiều bệnh nhân trong cùng một thời gian. Qua đó giúp tăng hiệu suất công việc.

7. Thiết bị thấu nhiệt vi sóng – kỹ thuật điều trị

Thấu nhiệt vi sóng thường có hai tần số thiết kế là 2456 MHz (bước sóng 12 cm) và 915 MHz (bước sóng 33 cm). Vi sóng có tần số lớn hơn và bước sóng ngắn hơn so với sóng ngắn trị liệu. Thiết bị thấu nhiệt vi sóng tạo điện trường mạnh và từ trường tương đối nhỏ.

Với thiết kế phù hợp, sự mất mát năng lượng của thiết bị vi sóng không quá 10%. Vi sóng tạo nhiệt nhờ dao động nội phân tử của các phân tử độ phân cực cao. Nếu lớp mỡ dưới da dày hơn 1 cm, nhiệt độ mô mỡ sẽ tăng quá cao trước khi các lớp tổ chức sâu hơn tăng nhiệt. Thấu nhiệt vi sóng vùng tần số 915 MHz ít gặp vấn đề đó hơn, nhưng các thiết bị vi sóng thường thấy trên thị trường chỉ có tần số 2456 MHz. Nếu lớp mỡ dưới da không quá 0,5 cm, vi sóng có thể xuyên tới độ sâu 5 cm. Xương là tổ chức hấp thụ sóng ngắn trị liệu và vi sóng mạnh hơn các tổ chức khác.

Thiết bị thấu nhiệt vi sóng gồm một nguồn điện cung cấp năng lượng cho bộ dao động magnetron và mạch điều khiển. Mạch điều khiển kiểm soát công suất ra bằng cách thay đổi điện thế nuôi magnetron, còn bộ dao động magnetron dùng từ trường để tạo các dòng điện cao tần (hình 6.13).

Thấu nhiệt vi sóng
Hình 6.13: Sơ đồ nguyên lý của thiết bị vi sóng.
Thấu nhiệt vi sóng
Hình 6.14: Bảng điều khiển của thiết bị vi sóng. A. Công tắc nguồn. B. Đồng hồ. C. Đồng hồ công suất ra. D. Mức công suất ra. E. Đèn chỉ thị.

Hình 6.14 biểu diễn bảng điều khiển của thiết bị vi sóng điển hình. Công suất ra có thể điều chỉnh theo sự dung nạp của bệnh nhân. Đồng hồ đầu ra chỉ công suất đầu ra tương đối. Có hai loại đèn chỉ thị: đèn hổ phách cho biết thiết bị đang khởi động; còn đèn đỏ chứng tỏ thiết bị đã sẵn sàng làm việc.

Điện cực thấu nhiệt vi sóng:

Điện cực thấu nhiệt vi sóng được gọi là tấm áp. Năng lượng vi sóng chỉ có thể truyền tới từng mặt một trên tấm áp. Bề mặt tấm áp phải phẳng, nếu không một phần năng lượng không nhỏ sẽ bị phản xạ.

Thiết bị thấu nhiệt vi sóng làm việc tại tần số 2456 MHz cần có lớp không khí ngăn cách giữa tấm áp và da. Gợi ý của nhà sản xuất thiết bị về khoảng cách và mức công suất ra cần được tuân thủ chặt chẽ. Một ăng-ten định hướng được gắn với tấm áp sao cho nó vuông góc với bề mặt da, đảm bảo chùm vi sóng có góc tới thích hợp (định luật cosine).

Có hai loại tấm áp dùng trong thấu nhiệt vi sóng: hình tròn và hình chữ nhật. Tấm áp hình tròn có đường kính 10 hoặc 15 cm. Với loại tấm áp này, sự tăng nhiệt lớn nhất xảy ra tại vùng ngoại vi của trường bức xạ (hình 6.15A).

Hình 6.15: A. Tấm áp hình tròn. B. Tấm áp chữ nhật.

Tấm áp chữ nhật có kích thước khoảng 11 x 13cm hoặc 13 x 50cm; nó tạo sự tăng nhiệt cực đại tại tâm vùng chiếu (hình 6.15B).

Nếu thiết bị phát sóng tại tần số 915 MHz, tấm áp cần đặt cách bề mặt da khoảng 1cm, để giảm sự phản xạ năng lượng.

Kỹ thuật ứng dụng vi sóng:

Thiết bị thấu nhiệt vi sóng cần có thời gian khởi động. Đó là thời gian thích hợp để kỹ thuật viên chuẩn bị điện cực và bệnh nhân (hình 6.16). Tấm áp cần được điều chỉnh sao cho chùm vi sóng vuông góc với bề mặt da. Thấu nhiệt vi sóng thích hợp để điều trị các bệnh lý tại vùng ít mỡ dưới da, như gân bàn tay, bàn chân, cổ tay, cùng nhiều vùng khớp trên cơ thể.

Hình 6.16: Thiết bị vi sóng với tấm áp chữ nhật.

Một cách tổng quát, có một số khác biệt rõ rệt giữa hai phương pháp thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu và thấu nhiệt vi sóng mà nhà điều trị cần lưu tâm. Chúng bao gồm:

  1. Thấu nhiệt vi sóng tạo điện trường sinh nhiệt do dao động của các lưỡng cực trong màng tế bào. Sóng ngắn trị liệu chủ yếu tạo từ trường.
  2. Thấu nhiệt vi sóng tạo sự tăng nhiệt nông tốt hơn thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu.
  3. Thấu nhiệt vi sóng không thể xuyên qua lớp mỡ dày như thấu nhiệt sóng ngắn (vi sóng chỉ xuyên qua lớp mỡ bằng 1/3 so với sóng ngắn)
  4. Không được đặt dụng cụ hoặc miếng kim loại trong vòng bán kính 1,3 m xung quanh thiết bị vi sóng, vì sự nhiễu sóng.
  5. Giữa tấm áp vi sóng và da cần có khoảng cách; trong khi điện cực sóng ngắn có thể đặt trực tiếp trên lớp khăn bao vệ da.
  6. Thấu nhiệt sóng ngắn dường như an toàn hơn thấu nhiệt vi sóng. 

8. Thận trọng trong thấu nhiệt cao tần – Sóng ngắn trị liệu và kỹ thuật điều trị

Cần lưu ý rằng, có nhiều phản chỉ định và cảnh báo trong thấu nhiệt cao tần. Nhất là thấu nhiệt vi sóng, hơn bất cứ một mô thức điều trị nào khác trong điện trị liệu.

Các nghiên cứu hồi qui năm 1979 và 1993 trên 42.000 kỹ thuật viên vật lý trị liệu cho thấy. Phụ nữ làm việc thường xuyên với thấu nhiệt vi sóng có tỷ lệ sẩy thai cao hơn bình thường một chút. Trong khi với thấu nhiệt sóng ngắn trị liệu, không thấy một sự bất thường nào. Sự bất thường liên quan với vi sóng có thể giải thích bằng sự khác nhau cơ bản giữa hai phương pháp.

Với thấu nhiệt sóng ngắn, điện cực thường đặt sát bề mặt da và cơ thể người bệnh là một bộ phận của mạch điện. Trong khi vi sóng có tần số cao hơn (tức năng lượng các lượng tử sóng lớn hơn) và được truyền tới cơ thể nhờ các tấm phản xạ. Do đó vi sóng có độ tản mát lớn hơn, nên có thể tác động tới kỹ thuật viên điều trị. Vì thế trong thấu nhiệt vi sóng, kỹ thuật viên cần rời khu vực điều trị sau khi đặt thiết bị ở chế độ sẵn sàng làm việc.

Thấu nhiệt là phương pháp tăng nhiệt mô

Không thể dùng trong các bệnh lý mà sự tăng nhiệt gây hệ quả xấu như chấn thương cấp đang chảy máu, viêm cấp, vùng thiếu máu, vùng mất cảm giác đau và cảm giác nhiệt… (bảng 6.1). Cần lưu ý đồng hồ công suất không xác định trực tiếp năng lượng hấp thụ tại mô. Nên cảm giác nhiệt hoặc cảm giác đau của bệnh nhân chính là tiêu chí để đánh giá sự dung nạp đối với phương pháp. Có thể xem xét các phản chỉ định và phòng ngừa cụ thể của phương pháp tại bảng 6.1 ở trên.

Do thấu nhiệt cao tần làm nóng chọn lọc các loại mô nhiều nước. Nên cần thận trọng khi dùng mô thức trên các vùng hoặc cơ quan chứa nhiều nước. Tràn dịch khớp sẽ nặng hơn dưới tác dụng của thấu nhiệt. Tăng nhiệt có thể làm tăng viêm màng hoạt dịch. Vì mắt chứa nhiều nước, không dùng kỹ thuật tại các vùng xung quanh mắt.

Trong hầu hết trường hợp, cần dùng khăn để hấp thụ nhiệt dư hoặc nhiệt lan tỏa. Một lớp khăn là đủ với các điện cực dạng trống và tấm cách không khí; nhưng với các loại điện cực khác, khăn cần đủ dày, khoảng 1 cm. Không cần dùng khăn với vi sóng. Khi điều trị vùng hông, cần che khăn lên khe phân cách giữa hai bên. Nếu điều trị vùng bả vai, các nếp gấp da trong nách cũng phải được che bằng khăn.  

Nếu có quần áo trên vùng can thiệp, cần quan sát kỹ quá trình điều trị. Nói chung có thể dùng sóng ngắn với một số loại quần áo, như áo bằng vải bông. Cần tránh loại áo hoặc lớp che khó thoát mồ hôi chế từ sợi tổng hợp, vì mô hồi tích tụ trên vùng can thiệp sẽ hấp thụ sóng cao tần rất mạnh, dẫn tới nguy cơ bỏng da. Cũng vì lý do tương tự, cần tránh vùng tổ chức đang băng ép hoặc băng bó sau chấn thương.

Chống chỉ định với thấu nhiệt

Không dùng thấu nhiệt cao tần tại vùng chậu phụ nữ đến tháng vì tác dụng tăng dòng máu tới vùng can thiệp.

Cũng không dùng kỹ thuật tại vùng xung quanh buồng trứng. Tinh hoàn nằm sát bề mặt hơn và do đó dễ bị tổn thương hơn. Không dùng các phương pháp thấu nhiệt, kể cả thấu nhiệt siêu âm, cho thai phụ vì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai.

Không dùng can thiệp trên vùng lồi xương vì nguy cơ tổn thương mô mềm xung quanh và trên đầu xương người đang phát triển (trẻ em và thanh thiếu niên).

 Bệnh nhân không được tiếp xúc trực tiếp với dây cáp điện cực. Không được bắt chéo các dây cáp lên nhau. Ăng-ten vi sóng không được tiếp xúc với da bệnh nhân, vì sẽ gây bỏng nghiêm trọng.

Cần đặt thiết bị vi sóng đang hoạt động đủ xa các thiết bị điện trị liệu khác. Linh kiện điện tử trong thiết bị TENS và các thiết bị tần số thấp khác có thể hư hỏng do chùm bức xạ từ các thiết bị cao tần. Bộ tạo nhịp nhân tạo cũng có thể bị phá hủy khi không được che chắn.

Không dùng bàn ghế kim loại khi can thiệp bằng thấu nhiệt cao tần. Bỏ đồ trang sức và đồng hồ trước khi điều trị.

Trong phương pháp thấu nhiệt cao tần, người bệnh cần được đặt ở tư thế thoải mái trong suốt quá trình điều trị để trường bức xạ không thay đổi do sự chuyển động của cơ thể. Cần kiểm tra da trước và sau điều trị. Vùng điều trị cần đặt tại tư thế nằm ngang hoặc treo khi ứng dụng phương pháp.

Gọi ngay
Nhắn Zalo