Bài 49 + 50: Nhiệt trị liệu

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu được chương 7 ( gồm 10 bài, link đọc full ở bên dưới ) của chuỗi các bài viết xoay quanh kiến thức về Vật lý trị liệu, cũng như các loại thiết bị liên quan đến điện trị liệu được dùng phổ biến hiện nay. Tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục với chương 8 đó là Các mô thức nhiệt bề mặt (Cơ chế truyền nhiệt, Cách dùng các mô thức nhiệt bề mặt…). Chương 8 gồm 6 bài đó là:

          Bài 45: Cơ chế truyền nhiệt.

          Bài 46: Cách dùng các mô thức nhiệt bề mặt.

          Bài 47: Ứng dụng các phương pháp nhiệt bề mặt trong lâm sàng.

          Bài 48: Lạnh trị liệu.

          Bài 49: Nhiệt trị liệu.

          Bài 50: Kết luận.

Ở trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 49: Nhiệt trị liệu (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo) 

Bài 49: Nhiệt trị liệu

1. Tác dụng sinh lý của nhiệt – Nhiệt trị liệu 

Tăng nhiệt bề mặt tại chỗ (nhờ hồng ngoại) được dùng cho các trường hợp bán cấp để giảm đau và viêm. Nhiệt bề mặt tạo nhiệt độ vùng tổn thương cao hơn so với các tổ chức bề mặt xung quanh, dẫn tới sự giảm đau. Trong các giai đoạn lành vết thương sau đó, nhiệt sâu có tác dụng tốt hơn, như thấu nhiệt sóng ngắn hoặc siêu âm. Nhiệt làm giãn mạch, mở mọi mao mạch khả dĩ và tăng tuần hoàn. Da thường có các sợi thần kinh co mạch giao cảm, chúng tiết norepinephrine tại các tận cùng (đặc biệt tại bàn chân, bàn tay, môi, mũi và tai). Tại nhiệt độ sinh lý, các sợi giao cảm co mạch giữ cho các vùng nối động – tĩnh mạch hầu như đóng hoàn toàn; nhưng khi nhiệt bề mặt tăng, các xung động giao cảm giảm mạnh khiến các vùng nối giãn rộng, cho phép một lượng máu lớn chảy vào các đám rối tĩnh mạch.

Điều đó làm tăng dòng máu mạnh mẽ, dẫn tới sự mất nhiệt từ cơ thể. Tăng lượng máu do nhiệt có tác dụng tốt lên chấn thương. Đó là kết quả của tăng dòng máu và tăng bể máu trong các quá trình chuyển hóa. Tuyệt đối không dùng nhiệt cho các khối tụ máu mới. Thậm chí một số nhà trị liệu không bao giờ dùng nhiệt bề mặt trong lâm sàng. Tốc độ chuyển hóa mô phụ thuộc một phần vào nhiệt độ. Tốc độ chuyển hóa tăng 13% khi nhiệt độ tăng 1oC. Tốc độ chuyển hóa cũng giảm một cách tương ứng khi nhiệt độ giảm.

Tác dụng sơ cấp của nhiệt tại chỗ là tăng tốc độ chuyển hóa cục bộ, do đó tăng các chất chuyển hóa và tăng nhiệt nội sinh. Hai tác dụng đó làm tăng áp suất thủy tĩnh nội mạch, dẫn tới giãn tiểu động mạch và tăng dòng máu mao mạch. Tuy nhiên, tăng áp suất thủy tĩnh sẽ dẫn tới nề, nên có thể làm tăng thời gian phục hồi một tổn thương cục bộ nào đó.

Tăng dòng máu mao mạch có ý nghĩa quan trọng với nhiều loại tổn thương bị viêm nhẹ hoặc trung bình, vì nó làm tăng cung cấp oxy, kháng thể, bạch cầu, các dưỡng chất và enzyme cần thiết, đồng thời tăng thải các sản phẩm chuyển hóa.

Với cường độ nhiệt đủ cao, sự giãn mạch và tăng dòng máu có thể lan tỏa tới các vùng xa, dẫn tới tăng chuyển hóa tại các vùng không tăng nhiệt. Đó là hiện tượng giãn mạch do nhiệt đồng cảm, có thể có ích cho các bệnh lý mà nhiệt tại chỗ vốn là chống chỉ định. Nhiệt có thể giảm đau qua cơ chế kiểm soát cổng. Đó là chỉ định thường gặp nhất của nhiệt trị liệu trong lâm sàng.

Nhiệt thường dùng cho các bệnh lý cơ xương khớp và thần kinh, như bong gân, căng cơ, bệnh khớp và co thắt cơ, là các rối loạn thường dẫn tới đau cơ. Nhiệt tạo thư giãn và giảm co cứng cơ. Nó cũng tăng độ mềm dẻo và giảm độ kết dính mô liên kết, yếu tố cần phải xem xét tại các chấn thương khớp bán cấp hoặc sau thời gian bất động dài. Nó cũng quan trọng khi khởi động trước vận động để tăng nhiệt độ cơ.

Tuy nhiên, nhiệt bề mặt đơn thuần (không kèm kéo giãn) cải thiện độ linh động hoặc độ mềm dẻo không đáng kể. Để tăng tầm vận động, nhiệt sâu bằng siêu âm mang lại kết quả tốt hơn.

Bằng kinh nghiệm lâm sàng, nhiều nhà thực hành cho rằng nhiệt bề mặt ít gây tác dụng trực tiếp, mà thường gián tiếp qua tác dụng thư giãn. Nó bao gồm giảm đau, giảm trương lực cơ, tạo trấn dịu (giảm co cứng, căng thẳng và co thắt) và giảm căng cơ cũng như các cấu trúc liên quan.

2. Kỹ thuật điều trị – Nhiệt trị liệu 

Nhiệt thường dùng để điều trị đau và lo lắng. Phần lớn lợi ích của nhiệt do các cảm xúc tốt sau trị liệu mang lại, chứng tỏ yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong nhiệt trị liệu. Tuy nhiên trong giai đoạn chấn thương cấp, nhiệt làm tăng huyết áp mao mạch và tính thấm màng tế bào, do đó tăng sưng và nề. Vì thế không dùng nhiệt trị liệu cho đến khi xác định được nguyên nhân gây nề. Khi đó cần dùng lạnh trước khi dùng nhiệt. Nhiệt bề mặt thích hợp với các tổn thương cổ, lưng, thắt lưng và vùng chậu; cũng như với bệnh nhân dị ứng với lạnh.

Mục tiêu cơ bản của nhiệt trị liệu bao gồm tăng dòng máu và tăng nhiệt độ cơ để giảm đau, tăng dinh dưỡng tế bào, giảm nề, tăng giải phóng chất chuyển hóa và các sản phẩm viêm.

Tắm xoáy nóng – Nhiệt trị liệu 

Thiết bị:

  1. Bồn tắm xoáy: Bồn có kích thước thích hợp với phần cơ thể điều trị.
  2. Khăn bông: Dùng để che phủ và lau khô.
  3. Ghế.
  4. Miếng đệm: Đặt cạnh bồn tắm.

Điều trị:

Người bệnh cần có tư thế thoải mái, phần cơ thể bệnh lý cần nhấn chìm trong nước. Vòi xoáy cách cơ thể 15 – 20 cm. Nhiệt độ nước 37 – 45oC để điều trị cánh tay và bàn tay; 37 – 40oC để điều trị chân; và 37 – 39oC để điều trị toàn thân. Thời gian điều trị từ 10 tới 30 phút, thường dùng nhất là khoảng thời gian 15 – 20 phút (hình 8.8).

Lưu ý:

Bệnh nhân cần có tư thế có thể vận động phần cơ thể bệnh lý. Điều đó quyết định kích thước bồn.

Nhiệt trị liệu người phụ nữ đang ngâm mình trong bồn tắm xoáy nóng
Hình 8.8: Bồn tắm xoáy nóng.

Ứng dụng:

Nhiệt độ nước khoảng 37 – 45oC. Quá trình chuẩn bị giống như tắm xoáy lạnh. Bệnh nhân ngồi trên miếng lót sao cho cảm thấy dễ chịu. Thiết bị khởi động sau khi nối đất. Thời gian điều trị phụ thuộc vào mục tiêu và kích thước phần cơ thể điều trị, nói chung khoảng 10 – 30 phút. Thời gian điều trị cần đủ dài để kích thích giãn mạch và giảm co thắt cơ (khoảng 20 phút). Như các kỹ thuật lạnh và nhiệt trị liệu khác, cần lưu tâm tới các tư thế phụ thuộc trọng lực để tránh gây thêm nề. Nếu có các ổ nề (ấn ngón tay thấy đổi màu da), cần dùng tắm xoáy lạnh hoặc tắm tương phản. Ngoài tăng tuần hoàn và giảm co thắt, kỹ thuật còn có tác dụng mát-xa và rung động do dòng nước xoáy.

Khi kết thúc điều trị, cần xem xét bề mặt da và các vùng xung quanh chi để xem sưng có tăng hay không. Nếu thực hiện nhiệt trị trước vận động, bệnh nhân cần thực hiện nhẹ nhàng các động tác theo tầm vận động để giảm xung huyết và tăng cảm giác bản thể (cảm nhận vị trí) của các khớp. Nếu bệnh nhân thấy đau cơ, cần tập vận động dưới nước. Tắm xoáy nóng cũng có tác dụng trấn dịu.

Tắm xoáy nóng là mô thức rất tốt sau phẫu thuật để tăng tuần hoàn hệ thống và độ linh động của phần cơ thể bệnh lý, đến mức đã trở thành một mô thức bị lạm dụng nhiều nhất. Tuy nhiên nó cũng là một bổ trợ tốt khi được dùng đúng đắn trong lâm sàng. Bồn cần được vệ sinh thường xuyên. Sau khi điều trị vết thương hở, cần khử trùng bồn ngay lập tức. Cách thức tiến hành tương tự với bồn xoáy lạnh.

Túi đắp nóng – Nhiệt trị liệu 

Thiết bị:

  1. Túi nhiệt: Gồm các túi vải chứa các sản phẩm chế từ dầu mỏ. Một thùng ổn nhiệt để duy trì nhiệt độ cao (khoảng 65 – 67oC) và ngăn ngừa bỏng (hình 8.9). Túi có ba loại: (1) kích thước tiêu chuẩn 30 x 30 cm cho phần lớn các bộ phận cơ thể; (2) kích thước gấp đôi 60 x 60 cm cho lưng, thắt lưng và hông; và (3) kích thước 15 x 45 cm cho cột sống. Lấy túi từ thùng nhiệt bằng bộ gắp đi kèm thiết bị để tránh bị bỏng.
  2. Khăn bông: Có thể dùng khăn tắm thông thường. Cần xếp 2 khăn vuông góc nhau thành 6 lớp dày 2 – 3 cm đặt trên vùng điều trị, túi nóng nằm giữa các lớp khăn. Dùng khăn bông che toàn bộ cơ thể.
Nhiệt trị liệu bồn ngâm người đang lấy túi đắp nóng trong máy ra ngoài
Hình 8.9: Túi đắp nóng trong thùng ổn nhiệt.

Điều trị:

Xếp 6 lớp khăn như hình 8.10 để không gây bỏng cho bệnh nhân. Bệnh nhân nằm hoặc ngồi với tư thế thoải mái nhất có thể. Thời gian điều trị 15 – 20 phút.

Đáp ứng sinh lý:

  • Tăng tuần hoàn.
  • Tăng nhiệt độ cơ và tổ chức.
  • Giảm co thắt.
  • Giảm đau.

Lưu ý:

Kích thước bộ phận cơ thể là yếu tố xác định số túi nhiệt cần dùng. Bệnh nhân cần thấy dễ chịu trong điều trị. Thời gian điều trị đủ dài (15 – 20 phút).

người phụ nữ đang xếp túi đắp nóng
Hình 8.10: Kỹ thuật xếp túi đắp nóng.

Ứng dụng:

Xếp khăn đúng cách và tư thế bệnh nhân phù hợp là các yếu tố cần thiết để thành công. Túi nhiệt ẩm có xu hướng kích thích phản ứng tuần hoàn. Túi nhiệt khô có xu hướng buộc máu thoát khỏi hệ mao mạch da, do đó tăng nguy cơ bỏng da. Bệnh nhân không được nằm lên túi vì nguy cơ bỏng. Nếu bệnh nhân khó chịu với trọng lượng túi đắp và lớp khăn bảo vệ, có thể đặt bệnh nhân nằm nghiêng, với lớp khăn được cố định nhờ dây quấn. Chỉ định thường gặp của túi đắp nóng bao gồm co thắt cơ, đau lưng, hoặc điều trị sơ bộ trước các mô thức khác.

Paraphin:

Paraphin là kỹ thuật đơn giản và hiệu quả để tạo nhiệt cao cục bộ, dù không được gọn sạch. Trị liệu paraphin có thể cung cấp một nhiệt lượng gấp sáu lần nước vì dầu khoáng trong paraphin hạ thấp điểm nóng chảy của paraphin. Hỗn hợp dầu khoáng và paraphin có nhiệt dung riêng thấp, nên bệnh nhân dung nạp nhiệt từ paraphin tốt hơn từ nước cùng nhiệt độ.

Nguy cơ bỏng với paraphin không hề nhỏ. Người điều trị cần cân nhắc giữa paraphin và tắm xoáy nóng. Paraphin được dùng chủ yếu cho viêm khớp bàn tay và bàn chân mạn tính. Khi đó tác dụng giảm đau của paraphin kéo dài hơn hẳn so với tắm nóng.

Thiết bị:

  1. Thùng paraphin (hình 8.11).
  2. Túi chất dẻo và khăn giấy.
  3. Khăn bông.

Điều trị:

  • Nhúng:

Nhúng chi vào paraphin trong 2 giây rồi nhấc ra để paraphin cứng lại một chút sau vài giây. Lặp lại 6 lần.

đưa một tay vào paraphin tay còn lại để ở ngoài
Hình 8.11: Nhúng tay vào thùng paraphin.
  • Quấn:

Quấn chi trong túi chất dẻo và các lớp khăn để giữ nhiệt (hình 8.12). Thời gian điều trị 20 – 30 phút.

Đáp ứng sinh lý:

  • Tăng nhiệt độ mô.
  • Giảm đau.
  • Tăng tuần hoàn.
Ι− Được chia sẻ bởi Công Nghệ Y Khoa MDT −Ι 

Lưu ý:

  1. Một số thiết bị có thể tăng nhiệt độ tới 100oC, cho phép diệt các loại vi khuẩn xuất hiện trong paraphin. Một số khác có nhiệt độ tối đa 65oC.
  2. Cần thay paraphin trong vòng 6 tháng.
Hình 8.12: Quấn chi nhúng paraphin trong túi chất dẻo và khăn bông.

Ứng dụng:

Trước điều trị, phần cơ thể bệnh lý cần được vệ sinh bằng xà bông, nước, cuối cùng bằng cồn để tẩy sạch xà bông, giúp ngăn ngừa nguy cơ khuẩn phát triển dưới đáy thùng.

Tỷ lệ trộn giữa dầu khoáng và paraphin là 1 phần dầu và 6 hoặc 7 phần paraphin để hạ nhiệt độ nóng chảy của paraphin từ 54oC xuống còn khoảng 45 – 50oC. Tạo 6 lớp paraphin là yếu tố quan trọng. Sau đó bọc paraphin trong khăn giấy, túi và khăn bông để giữ nhiệt trong khoảng 20 – 30 phút. Do tăng nhiệt, hệ mao mạch giãn và dòng máu sẽ tăng. Sau điều trị, bỏ khăn, túi và khăn giấy rồi dùng thanh đè lưỡi tách bỏ lớp paraphin. Tiếp theo vệ sinh bằng xà bông và nước. Một kỹ thuật hiệu quả hơn nhưng kém an toàn hơn là nhúng phần cơ thể cần điều trị vào thùng paraphin sau khi đã tạo 6 lớp như trên. Hướng dẫn bệnh nhân không cử động để chi không chạm thành hoặc đáy thùng.

Khi vệ sinh da, cần xem xét mọi dấu hiệu bất thường, nếu có. Tăng nhiệt độ lên 100oC để diệt khuẩn, nếu thiết bị cho phép. Nói chung paraphin là kỹ thuật đòi hỏi sự cẩn trọng, nhưng cho phép điều trị viêm khớp bàn tay và bàn chân mạn tính rất hiệu quả.

Đèn hồng ngoại:

Khi nói tới các mô thức hồng ngoại, nói chung mọi người thường nhắc tới đèn hồng ngoại. Ưu điểm lớn nhất của nó là tăng nhiệt độ bề mặt theo cách không tiếp xúc. Tuy nhiên nó ít được dùng do độ xuyên sâu trong da khá thấp, chỉ không quá 1 mm. Nhiệt khô từ đèn có xu hướng tăng nhiệt độ bề mặt tốt hơn nhiệt ẩm; nhưng nhiệt ẩm thường có độ thấm sâu tốt hơn.

Bỏng da là nguy cơ có thể xẩy ra vì bức xạ hồng ngoại mạnh và nhiệt độ bộ phản xạ rất cao, tới gần 4000oC. Cần dùng khăn bông ẩm nóng để tăng hiệu quả nhiệt. Dùng khăn khô che phần cơ thể không điều trị (hình 8.13).

Đèn hồng ngoại chia thành hai loại, phát quang và không phát quang. Đèn không phát quang gồm dây kim loại điện trở lớn quấn quanh một lõi hình nón chế từ vật liệu không phát quang. Khi dòng điện chạy qua dây, dây sẽ nóng và phát ra luồng bức xạ đỏ đậm. Một bộ phản xạ hình dạng thích hợp sẽ phản xạ chùm bức xạ tới cơ thể bệnh nhân. Mọi loại đèn dùng sợi carbon và tungsten đều là loại phát quang. Các loại không phát quang hiện không còn được sản xuất vì không tạo được hồng ngoại bước sóng 1200 nm như đèn tungsten hoặc đèn thạch anh. Bước sóng đó được chọn vì có thể xuyên qua da tốt hơn các bước sóng ngắn hơn.

Thiết bị:

  1. Đèn hồng ngoại.
  2. Khăn bông khô: Dùng để bảo vệ vùng không điều trị.
  3. Khăn bông ẩm: Dùng để phủ lên vùng điều trị để tăng hiệu quả nhiệt.
  4. Bộ nối đất để đảm bảo sự an toàn điện.

Điều trị:

  • Đèn cần đặt cách bệnh nhân 50 cm.
  • Đặt khăn ẩm lên vùng điều trị.
  • Phủ khăn bảo vệ đúng vị trí.
  • Thời gian điều trị 15 – 20 phút.
  • Cần kiểm tra da sau vài ba phút.

Đáp ứng sinh lý:

  • Nhiệt độ tổ chức bề mặt tăng.
  • Giảm đau.
  • Tiết mồ hôi.

Lưu ý:

Để tránh tăng nhiệt độ toàn thân, chỉ chiếu đèn phần tổn thương. Đèn chỉ được dùng khi bệnh nhân không đáp ứng với các mô thức khác, chẳng hạn túi đắp nóng. Cần cảnh giác với nguy cơ bỏng.

Hình 8.13: Đèn hồng ngoại.
Hình 8.13: Đèn hồng ngoại.

Ứng dụng:

Bệnh nhân cần có tư thế thoải mái. Cần nhấn mạnh rằng nhiệt ẩm làm tăng tuần hoàn, trong khi nhiệt khô (như đèn hồng ngoại) có xu hướng kích thích dòng máu thoát khỏi vùng tác động. Do đó cần dùng khăn ẩm, nóng đạt lên vùng điều trị. Che phần cơ thể không điều trị bằng khăn khô. Khoảng cách từ đèn tới vùng điều trị điều chỉnh theo thời gian điều trị. Công thức chung là khoảng cách 20 inch (50 cm) tương ứng với thời gian 20 phút. Kiểm tra bề mặt da sau điều trị.

Kỹ thuật dòng chất lưu:

Kỹ thuật dòng chất lưu (fluidotherapy) là phương pháp nhiệt khô dùng các hạt rắn nhuyễn (thường là hạt cellulose, chẳng hạn từ bỏng ngô) thổi trong dòng khí nóng, nên có tính chất như một chất lưu. Đây là một mô thức điều trị đa mục tiêu. Hiệu quả điều trị dựa trên khả năng tạo các tác dụng nhiệt, mát-xa, kích thích cảm giác để giảm cảm, rung động và dao động áp suất một cách đồng thời. Khác với nước, ở đây dòng chất lưu khô không kích thích da hoặc tạo sốc nhiệt. Điều đó cho phép tạo ra các nhiệt độ điều trị cao hơn so với nước và paraphin. Rung động và dao động áp suất có thể giảm thiểu nề, thậm chí tại nhiệt độ cao. Do đó kỹ thuật rất hiệu quả trong điều trị đau, tăng tầm vận động, điều trị chấn thương, vết thương cấp, sưng nề và thiểu năng tuần hoàn.

Với nhiệt độ 46oC, tại bàn tay người bình thường, dòng máu có thể tăng 6 lần, tốc độ chuyển hóa tăng 4 lần. Điều đó dẫn tới tăng dòng máu, trấn dịu, giảm huyết áp và khuyến khích lành vết thương nhờ gia tốc các phản ứng hóa sinh.

Kích thích đối kháng, qua kích thích các thụ thể cơ học và thụ thể nhiệt, có thể giảm đau, cho phép bệnh nhân dung nạp với nhiệt độ cao hơn so với các kỹ thuật nhiệt trị khác. Sự tăng nhiệt dẫn tới tăng chuyển hóa và kích thích quá trình sửa chữa và lành vết thương. Nhiệt độ cao làm tăng độ đàn hồi và giảm độ kết dính mô, dẫn tới cải thiện sự linh động hệ cơ xương khớp. Đáp ứng của hệ mạch máu đối với sự tăng nhiệt và dao động áp suất kéo dài dẫn tới tác dụng tăng tuần hoàn tại vùng bệnh lý.

Thiết bị:

  1. Hệ thống tạo dòng chất lưu nóng thích hợp (hình 8.14).
  2. Khăn bông.

Điều trị:

  • Bố trí bệnh nhân tại tư thế thoải mái.
  • Đưa bộ phận điều trị (tay hoặc chân) vào thiết bị khí nóng.
  • Dùng khăn để ngăn cách thiết bị và cơ thể bệnh nhân.
  • Thời gian điều trị 15 – 20 phút.

Đáp ứng sinh lý:

  • Tăng nhiệt độ mô.
  • Giảm đau.
  • Tăng tuần hoàn.
Hình 8.14: Hệ thống tạo dòng chất lưu nóng.

Lưu ý:

  1. Luôn vệ sinh hệ thống.
  2. Mọi phím điều khiển cần đưa về vị trí zero sau điều trị.

Ứng dụng:

Bệnh nhân cần có tư thế thoải mái. Phần cơ thể điều trị cần đưa vào thiết bị trước khi bật máy. Thời gian điều trị khoảng 20 phút. Nhiệt độ thay đổi trong khoảng 43 – 53oC. Nhiệt độ vùng điều trị đạt giá trị cực đại sau khoảng 15 phút. Có thể vận động thụ động và chủ động trong quá trình nhiệt trị, nếu không chống chỉ định.

Với vết thương hoặc nhiễm khuẩn hở, cần dùng lớp bảo vệ. Bệnh nhân dùng nẹp, băng và các dụng cụ chỉnh hình khác, cũng như khớp nhân tạo bằng chất dẻo hoặc gân nhân tạo cũng có thể dùng kỹ thuật này. Không cần dùng tay bắt các hạt đang bay để thu lợi ích tốt đa từ mát-xa và nhiệt trị, vì sự tiếp xúc trực tiếp giữa da và môi trường tạo nhiệt đã tối ưu hóa sự trao đổi nhiệt.

Nói chung khi điều trị bàn tay, cơ, cổ chân và các bệnh lý gần bề mặt da, các mô thức nhiệt bề mặt là lựa chọn ưu tiên. Các kỹ thuật nhiệt bề mặt có thể điều trị các vùng cơ thể lớn hơn nhiều so với siêu âm và thấu nhiệt cao tần, nên lượng nhiệt tổng cộng cũng lớn hơn. Kỹ thuật dòng chất lưu, thủy trị liệu và paraphin có thể tạo sự tăng nhiệt tổ chức tương đương nhau.

KẾT LUẬN:

Các mô thức nhiệt bề mặt truyền nhiệt tới hoặc từ bệnh nhân. Hầu hết chúng đều đơn giản, hiệu quả và rẻ tiền. Để chọn mô thức thích hợp, người điều trị cần nắm được (1) hệ quả sinh lý đối với hệ tuần hoàn; (2) độ đơn giản của kỹ thuật; và (3) lợi ích ngắn hạn và dài hạn của trị liệu.

Những vấn đề liên quan tiếp theo bao gồm (1) dùng lạnh hoặc dùng nhiệt; (2) tính kinh tế của kỹ thuật; và (3) khả năng lặp lại của điều trị. Giải quyết tốt các vấn đề đó, nhà trị liệu có thể thu được lợi ích tối đa từ những mô thức có suất đầu tư tối thiểu.

Đọc tiếp: Bài 51: Vật lý Laser ( Bấm để đọc )

Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!

Nhắn Zalo
Gọi ngay
Nhắn Facebook
Yêu cầu tư vấn