Bài 48: Lạnh trị liệu

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu được chương 7 ( gồm 10 bài, link đọc full ở bên dưới ) của chuỗi các bài viết xoay quanh kiến thức về Vật lý trị liệu, cũng như các loại thiết bị liên quan đến điện trị liệu được dùng phổ biến hiện nay. Tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục với chương 8 đó là Các mô thức nhiệt bề mặt (Cơ chế truyền nhiệt, Cách dùng các mô thức nhiệt bề mặt…). Chương 8 gồm 6 bài đó là:

          Bài 45: Cơ chế truyền nhiệt.

          Bài 46: Cách dùng các mô thức nhiệt bề mặt.

          Bài 47: Ứng dụng các phương pháp nhiệt bề mặt trong lâm sàng.

          Bài 48: Lạnh trị liệu.

          Bài 49: Nhiệt trị liệu.

          Bài 50: Kết luận.

Ở trong bài này chúng ta sẽ đi tìm hiểu Bài 48: Lạnh trị liệu (Lưu ý bài viết dài và có nhiều kiến thức chuyên sâu, mọi người chú ý đọc hết để hiểu rõ tránh việc hiểu sai hoặc không hiểu làm ảnh hưởng tới bài tiếp theo) 

Bài 48: Lạnh trị liệu

Lạnh trị liệu là phương pháp ứng dụng lạnh trong điều trị các chấn thương cấp và bán cấp và giảm sự khó chịu của bệnh nhân sau quá trình tái điều kiện hóa và phục hồi chức năng.

1. Tác dụng sinh học của lạnh – Lạnh trị liệu 

Về cơ bản, tác dụng sinh học của lạnh ngược với tác dụng của nhiệt. Tác dụng nguyên thủy của lạnh là giảm nhiệt độ mô. Nó có tác dụng rõ rệt với các chấn thương cấp tính. Các nhà khoa học nhất trí lạnh là lựa chọn ban đầu cho hầu hết các bệnh lý cơ xương khớp. Căn nguyên chủ yếu của lựa chọn là tác dụng giảm nhiệt độ vùng vết thương, do đó giảm tốc độ chuyển hóa, dẫn tới giảm sản sinh các chất chuyển hóa và giảm tạo nhiệt thứ cấp (sản phẩm của chuyển hóa). Điều đó giúp mô tổn thương chịu được sự thiếu oxy và hạn chế các tổn thương tiếp theo. Dùng kết hợp với băng ép, lạnh có tác dụng giảm chuyển hóa hiệu quả hơn khi dùng đơn lẻ. Cần dùng lạnh ngay sau chấn thương để giảm đau và tăng co mạch, do đó giảm chảy máu và sưng nề. Lạnh cũng được dùng trong pha cấp của các bệnh viêm, như viêm nang, viêm bao hoạt dịch và viêm gân, là những tổn thương mà nhiệt có thể gây đau và sưng bổ sung.

Lạnh cũng được dùng để giảm đau, giảm co thắt cơ phản xạ và các bệnh co thắt đi kèm. Tác dụng giảm đau là đặc trưng nổi bật của lạnh. Có nhiều cơ chế giải thích tác dụng này (xem chương 2).

Lạnh cũng có tác dụng trong đau cân cơ. Kiểu đau này xuất phát từ các điểm trigger cân cơ hoạt hóa với nhiều triệu chứng, bao gồm đau khi vận động tích cực và giảm tầm vận động. Điểm trigger có thể hình thành do căng hoặc giãn cơ, dẫn tới nhạy cảm hóa các sợi thần kinh cục bộ. Điểm trigger có thể sờ thấy như một nốt nhỏ hoặc một mảnh cơ nhỏ đang căng cứng.

Lạnh ức chế sự kích thích của các tận cùng thần kinh tự do và các sợi thần kinh ngoại biên, do đó làm tăng ngưỡng đau. Điều đó có ý nghĩa trong các trị liệu ngắn hạn. Lạnh cũng tăng cường sự kiểm soát tự động đối với co thắt; còn trong chấn thương cấp, nó giảm co thắt gây đau hình thành do kích thích cơ cục bộ.

Giảm cứng cơ do chấn thương cấp cũng là một lựa chọn của các nhà trị liệu nhiều kinh nghiệm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tác dụng đó, trong đó nổi bật là giảm hoạt tính thoi cơ.

Phản ứng ban đầu của cơ thể đối với lạnh là co mạch cục bộ tại cơ trơn để bảo toàn nhiệt. Điều đó làm giảm hình thành và phát triển nề, thường được cho là kết quả của áp suất thủy tĩnh giảm. Vì thế lượng dưỡng chất và các thực bào tới vùng tổn thương cũng giảm, dẫn tới giảm hoạt tính thực bào.

Cũng có giả thuyết cho rằng, khi nhiệt độ tại chỗ giảm trong khoảng 30 phút, xuất hiện một thời kỳ giãn mạch ngắn, kéo dài khoảng 4 – 6 phút. Vì thế sự co mạch xuất hiện theo chu trình 15 – 30 phút, sau đó là sự giãn mạch. Đó là đáp ứng săn tìm (hunting respone) cần thiết để phòng ngừa tổn thương mô do lạnh. Trong một thời gian dài, đáp ứng này được thừa nhận như một sự thật; trong khi trên thực tế các nghiên cứu khảo sát sự thay đổi nhiệt độ chứ không phải thay đổi tuần hoàn. Ngay cả khi sự giãn mạch xuất hiện, tác dụng tăng tuần hoàn có thể cũng không đủ ý nghĩa về mặt lâm sàng.

Nếu áp lạnh một vùng tổ chức rộng, vùng dưới đồi, trung tâm điều nhiệt của cơ thể, sẽ tạo ra sự run rẩy do tăng hoạt tính cơ theo phản xạ, qua đó tăng tạo nhiệt bên trong cơ thể. Áp lạnh một vùng mô lớn cũng có thể gây co mạch tại các vùng khác của cơ thể, dẫn tới tăng huyết áp.

Vì mô mỡ dưới da dẫn nhiệt kém, nên thời gian áp lạnh ngắn có thể không đủ để làm lạnh các cấu trúc bên dưới. Tuy nhiên áp lạnh quá lâu lại tác động tiêu cực tới quá trình lành vết thương.

Thời gian áp lạnh tối ưu phụ thuộc vào độ dầy của lớp tổ chức dưới da. Bệnh nhân mập béo cần áp lạnh tối thiểu 5 phút để hạ nhiệt độ cơ. Người gầy ốm cần thời gian ngắn hơn. Nói chung có thể áp lạnh khoảng 5 – 45 phút để giảm được nhiệt độ như mong muốn. Nó cần được dùng trong vòng 72 giờ sau chấn thương.

Lạnh có thể giảm tính thấm màng tế bào, giảm chuyển hóa tế bào, giảm tích tụ nề. Tác dụng sinh học của nóng và lạnh được đưa ra tại bảng 8.2.

Lạnh trị liệu bảng tác dụng của nóng

Lạnh trị liệu bảng tác dụng của lạnh
Bảng 8.2: Tác dụng của nóng và lạnh.

Cần lưu ý hiện tượng đóng băng tổ chức, xẩy ra tại nhiệt độ 0oC. Các triệu chứng đóng băng bao gồm đau nhói sợi thần kinh và đỏ da do xung huyết, chứng tỏ máu vẫn còn tới da; tiếp theo là sự mất màu tại da và cảm giác tê cóng, chứng tỏ máu không còn tới lớp tổ chức bề mặt được nữa.

Khi bị đóng băng, cần tách nguồn lạnh khỏi cơ thể ngay lập tức và ngâm phần đóng băng trong nước ấm 38 – 40oC rồi chuyển bệnh nhân tới cơ sở điều trị thích hợp.

Để tránh nguy cơ tiềm tàng đó, cần tuân thủ chặt chẽ các kỹ thuật ứng dụng lạnh trong lâm sàng dưới đây.

2. Kỹ thuật điều trị – Lạnh trị liệu 

Các công cụ lạnh trị liệu bao gồm túi chườm đá, bồn tắm xoáy lạnh, bồn tắm nước đá, bình phun lạnh và tắm tương phản. Lạnh trị liệu tạo ra một cảm giác gồm ba hoặc bốn giai đoạn. Ban đầu là cảm giác khó chịu do lạnh, tiếp theo là cảm giác đau như bị châm chích, rồi tới bỏng rát và cuối cùng là tê cóng. Mỗi giai đoạn đều liên quan với các tận cùng thần kinh khi chúng giảm chức năng, đồng thời do giảm dòng máu nuôi và giảm tốc độ dẫn truyền. Chuỗi phản ứng đó xuất hiện sau khoảng 5 – 15 phút, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lạnh. Như vậy thời gian 15 phút là tối thiểu để đạt được sự giảm đau tối ưu, khi bệnh nhân cảm thấy tê cóng vùng can thiệp.

Lạnh là kỹ thuật an toàn, đơn giản và rẻ tiền. Lạnh trị liệu chống chỉ định với bệnh nhân dị ứng với lạnh (phát ban, đau khớp, nôn ói), bệnh Raynaud (co thắt động mạch) và một số trường hợp thấp khớp.

Trước khi điều trị, bệnh nhân cần được cảnh báo về cảm giác lạnh bốn giai đoạn và cách thức đối phó với những khó chịu liên quan với lạnh trị liệu. Họ cần hiểu rằng, những khó chịu đó là cần thiết để thu được tác dụng giảm đau tối ưu. Và họ không được thực hiện các hoạt động thể chất mạnh ngay sau điều trị.

Mát- xa bằng đá – Lạnh trị liệu

Có thể chỉ định mát-xa đá nếu kỹ thuật viên hoặc bệnh nhân vươn tới được vùng tổ chức cần can thiệp. Kỹ thuật viên cần thực hiện ba lần can thiệp đầu tiên để bệnh nhân thấy được hiệu quả và cách thức tiến hành cụ thể. Khi chọn tư thế cho người bệnh, phần cơ thể cần điều trị phải thư giãn và bệnh phân cảm thấy thoải mái. Treo phần điều trị nếu có thể. Mát-xa đá thường chỉ định cho các bệnh cần kéo giãn. Nó hiệu quả hơn túi chườm đá trong trường hợp cần giảm nhiệt độ mô.

Dụng cụ cần thiết (hình 8.1 và 8.2):

Đổ đầy nước vào một ly giấy hoặc ly nhựa rồi đặt trong tủ lạnh. Khi nước đông thành đá, bóc phần xung quanh ly đến gần đáy (để lại khoảng 2 – 3 cm để có thể cầm bằng tay). Ly đá với thanh đè lưỡi cắm bên cạnh là tốt nhất vì kỹ thuật viên có thể cầm vào đó để mát-xa.

Lạnh trị liệu cối đá
Hình 8.1: Nước có thể làm lạnh trong ly với thanh đè lưỡi cắm bên cạnh.
Hình 8.2 (11.2): Mát-xa đá có thể chà xát theo vòng tròn hoặc theo chiều dọc.

Điều trị:

Tư thế ưa thích là nằm nghiêng, nằm sấp, nằm ngửa hoặc ngồi, phụ thuộc vào vùng cần điều trị. Bệnh nhân có thể tự mát-xa nếu tiện lợi. Có thể chà xát theo vòng tròn hoặc chà xát dọc trong khoảng 15 – 20 phút.

Đáp ứng sinh lý:

Cảm giác lạnh trải qua bốn giai đoạn; lạnh, châm chích, bỏng rát và tê cóng. Đỏ da (ban đỏ) xuất hiện do hệ mao mạch thiếu máu. Đó là cơ chế để cơ thể thu hút máu vào bên trong nhằm tránh sự mất nhiệt tiếp theo. Áp lạnh 5 – 15 phút tại nhiệt độ lớn hơn 10oC không tạo ra phản ứng săn tìm và không kích thích sự giãn mạch do phản xạ.

Lưu ý:

Thời gian để một vùng cơ thể tê cóng phụ thuộc vào vị trí mát-xa và tốc độ chà xát. Sự thoải mái của bệnh nhân trong quá trình điều trị là yếu tố quyết định. Nếu vùng tổ chức điều trị có tuần hoàn máu tốt, hiện tượng đóng băng sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên với bệnh nhân tiểu đường, bàn tay hoặc bàn chân, nhất là đầu ngón chân, có thể bị lạnh quá mức.

Ứng dụng:

Sau khi đã chọn được phương pháp trị liệu, như áp lạnh hoặc mát-xa đá, bệnh nhân cần được đặt trong tư thế thoải mái. Cần bỏ quần áo khỏi vùng điều trị. Bóc tách 2/3 phần ly giấy xung quanh, chỉ giữ lại phần vỏ ly phía dưới để cầm. Loại bỏ các cạnh gồ ghề hoặc sắc nhọn bằng cách dùng một miếng cao su chùi nhẵn. Đá cần được chà xát trên da bệnh nhân theo vòng tròn hoặc theo đường dọc, lần chà sau trùm lên lần chà trước. Ấn mạnh tay khi chà sẽ làm tăng sự tê cóng do lạnh. Cần mát-xa cho đến khi bệnh nhân trải qua bốn giai đoạn cảm giác. Khi da bắt đầu cóng, cần chấm dứt điều trị. Thời gian xuất hiện cảm giác tê cóng phụ thuộc vào kích thước vùng điều trị và tốc độ chà xát, thường khoảng 7 – 10 phút.

Túi lỏng lạnh – Lạnh trị liệu 

Túi lỏng lạnh (hình 8.3) có thể chỉ định cho mọi chấn thương cơ xương khớp cấp tính.

Dụng cụ:

  1. Túi lỏng lạnh: Túi cần được làm lạnh tới 15oC. Nó cần có miếng lót chất dẻo hoặc khăn bảo vệ để đặt trên bề mặt phần cơ thể cần điều trị. Nó chứa gel chiết từ dầu mỏ trong một túi chất dẻo.
  2. Khăn bông lạnh ẩm: Nhúng khăn vào nước đá và đặt lên da. Cũng có thể dùng khăn bọc đá. Túi lạnh thương mại cần được đặt trên lớp khăn ẩm.
  3. Túi chất dẻo: Túi chất lỏng lạnh có thể đặt trong một cái túi khác. Đặt túi chất dẻo lên vùng cơ thể cần can thiệp.
  4. Khăn bông khô: Để túi không mất lạnh nhanh, cần dùng khăn khô để phủ.

Điều trị:

Tư thế thích hợp là nằm nghiêng, nằm sấp, nằm ngửa, nằm co hoặc ngồi, tùy thuộc vào vị trí tác động. Bệnh nhân cần giữa nguyên tư thế trong suốt thời gian điều trị. Túi lạnh cần đặt trên da. Dùng khăn khô phủ lên túi để tránh mất lạnh. Thời gian điều trị khoảng 20 phút.

Hình 8.3: Túi chất lỏng lạnh.

Đáp ứng sinh lý:

Xuất hiện xung huyết và phản ứng lạnh qua bốn giai đoạn.

Lưu ý:

  1. Cần che phủ cơ thể để ngăn ngừa sự lan tỏa của lạnh.
  2. Phản ứng sinh lý đối với lạnh có tính tức thời.
  3. Bệnh nhân cần thấy thoải mái.
  4. Không có sự đóng băng trừ khi tuần hoàn không đầy đủ.
  5. Bệnh nhân không được nằm lên túi lạnh.

Ứng dụng:

Bệnh nhân cần có tư thế sao cho vùng điều trị bộc lộ tốt nhất. Dùng khăn đắp để bảo vệ quần áo. Túi lạnh cần đặt trên khăn ẩm để tăng hiệu quả truyền lạnh. Với chấn thương cấp và bán cấp, cần treo bộ phận cơ thể để tránh sưng nề do trọng lực. Cần bó túi lạnh quanh khớp sao cho loại bỏ hết không khí trong túi bao để túi lạnh tiếp xúc với khăn ẩm. Phản ứng lạnh bốn giai đoạn xuất hiện chậm hơn so với mát-xa bằng đá vì lớp khăn giữa da và túi lạnh. Thời gian điều trị khoảng 20 phút. Sự thoải mái của bệnh nhân có ý nghĩa quan trọng. Kiểm tra vùng tác động sau điều trị. Nếu có sưng, có thể dùng băng ép ướt thay khăn ướt. Có thể lặp lại điều trị sau mỗi 20 phút trong vòng 2 giờ. Nếu điều trị tại nhà, cần treo phần cơ thể bệnh lý khi ngủ.

Túi đá:

Giống túi lỏng lạnh, túi đá được chỉ định cho giai đoạn chấn thương cấp, cũng như phòng ngừa sưng nề sau luyện tập vùng tổn thương (hình 8.4). Túi đá có thể hạ nhiệt độ cơ tốt hơn túi lỏng lạnh.

Dụng cụ:

  1. Túi chất dẻo nhỏ: Có thể dùng túi đựng bánh mì hoặc đựng rau.
  2. Dụng cụ bào đá: Đá bào hoặc tán nhỏ dễ dùng hơn đá cục.
  3. Khăn bông ẩm: dùng để truyền lạnh, cần đặt trực tiếp trên da.
  4. Dây quấn đàn hồi: Dùng thun băng ép vết thương và giữ túi đá. Cần treo phần cơ thể bị bệnh.

Điều trị:

Tư thế bệnh nhân phụ thuộc vào vùng cần điều trị. Cần giữ nguyên tư thế trong quá trình điều trị. Túi cần được đặt trên da cùng với khăn hoặc băng quấn. Dùng khăn khô phủ kín túi để tránh mất lạnh. Thời gian điều trị khoảng 20 phút.

Đáp ứng sinh lý:

  • Phản ứng lạnh qua bốn giai đoạn.
  • Xuất hiện xung huyết.

Lưu ý:

  1. Cần che phủ cơ thể để ngăn ngừa sự lan tỏa của lạnh.
  2. Phản ứng sinh lý đối với lạnh có tính tức thời.
  3. Bệnh nhân phải luôn cảm thấy thoải mái.
  4. Không có sự đóng băng trừ khi tuần hoàn không đầy đủ.
  5. Bệnh nhân không được nằm trên túi lạnh.
Hình 8.4: Túi đá cần áp quanh vùng tổn thương.

Ứng dụng:

Túi đá được dùng tương tự túi lỏng lạnh. Túi cần đủ lớn để có thể phủ lên vùng tổn thương. Túi đặt trực tiếp trên da và được cố định bằng băng quấn đàn hồi khô hoặc ẩm. Ép đủ chặt giúp nhiệt độ cơ giảm nhanh hơn. Sự thoải mái của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu. Có thể cho muối để đá tan nhanh hơn, do đó sẽ tạo lạnh hiệu quả hơn. Dùng khăn khô phủ lên túi đá để giữ lạnh. Túi đá bào dễ quấn quanh vùng tổn thương hơn. Với đá viên, cần dùng băng quấn để cố định túi đá.

Bồn tắm xoáy lạnh:

Bồn tắm xoáy lạnh ( hình 8.5) được chỉ định cho các tổn thương cấp và bán cấp tại các bộ phận cần vận động trong quá trình điều trị lạnh.

Dụng cụ:

  1. Bồn xoáy: Bồn xoáy kích thước thích hợp chứa nước lạnh 10 – 16oC. Cần dùng đá nhỏ để đá tan hết trước khi điều trị. Đá chưa tan có thể gây tổn thương khi dùng vòi xoáy.
  2. Dụng cụ bào đá: đá bào tan nhanh hơn đá viên.
  3. Khăn bông: Dùng khăn che kín phần cơ thể không nhúng trong bồn và lau khô sau điều trị.
  4. Khu vực điều trị thích hợp: Bồn xoáy, ghế đẩu và ghế dài trong bồn cần được chuẩn bị trước khi bắt đầu điều trị.

Điều trị:

Nhiệt độ nằm trong khoảng 10 – 16oC. Chi cần được nhấn chìm trong nước. Nếu nhúng cả người, nhiệt độ nước nằm trong khoảng 15 – 18oC. Thời gian điều trị 5 – 15 phút.

Đáp ứng sinh lý:

  • Phản ứng lạnh qua bốn giai đoạn.
  • Xuất hiện xung huyết.

Lưu ý:

Ngay cả khi dùng lạnh để giảm nề tức thời sau chấn thương, cũng cần tránh các tư thế phụ thuộc vào trọng lực. Đã có nghiên cứu cho thấy nếu không có tư thế tốt, thể tích khớp cổ chân tăng đáng kể chỉ sau 20 phút. Tuy nhiên nếu dùng dòng xung điện thế cao cường độ đủ mạnh để tăng co cơ, phù nề giảm đi rõ rệt. Cần dùng tấm quấn lạnh hoặc băng thun để ép vùng chấn thương trước điều trị. Tắm xoáy cho phép dùng vận động liệu pháp đồng thời. Bệnh nhân cần cảm thấy thoải mái. Có thể dùng mũ chụp ngón chân bằng neoprene để bệnh nhân dễ chịu hơn trong bồn tắm xoáy.

Hình 8.5: Bồn tắm xoáy lạnh.

Ứng dụng và cẩn trọng:

Thiết bị chỉ được hoạt động sau khi đã nối đất. Bệnh nhân cần được nhắc nhở khi bước vào, khi đứng hoặc di chuyển trong bồn vì dễ trượt ngã. Thời gian điều trị phụ thuộc vào vùng tổn thương, sao cho phần cơ thể nhúng trong nước bắt đầu thấy tê cóng (sau khoảng 15 phút). Thời gian 7 – 15 phút đủ cho đáp ứng tuần hoàn đầy đủ. Tắm xoáy hiệu quả hơn túi đá trong việc duy trì sự giảm nhiệt độ tổ chức ít nhất 30 phút sau điều trị. Tác dụng bổ sung là hiệu ứng mát-xa và rung động của dòng nước xoáy. Cần kiểm tra bề mặt da và tình trạng nề tại chi sau điều trị. Khi nhúng cả người, cần lưu ý cường độ xoáy và thời gian điều trị, và không xoáy nước trực tiếp vào bộ phận sinh dục. Có thể lặp lại điều trị sau khi làm ấm cơ thể để khôi phục cảm giác nhiệt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giãn mạch do phản xạ có thể kéo dài 2 giờ. Nhịp tim và huyết áp cũng tăng sau tắm xoáy.

Bảo trì bồn xoáy:

Cần vệ sinh bồn tắm thường xuyên để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn. Bệnh nhân cần vệ sinh thân thể trước khi tắm xoáy. Đổ dung dịch diệt khuẩn ngập động cơ rồi cho động cơ chạy ít nhất 1 phút để làm sạch động cơ và bồn tắm. Cần nuôi cấy khuẩn từ bốn và động cơ thường xuyên để theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn của hệ thống.

Phun lạnh:

Phun hơi lạnh, như Fluori-Methane, không tạo được độ thấm sâu thích hợp, nhưng là một trị liệu bổ trợ cho các kỹ thuật bấm huyệt giảm co thắt cơ. Về mặt sinh lý, nó kích thích dây Aβ theo thuyết kiểm soát cổng. Tác dụng sơ cấp của phun lạnh là giảm co thắt gây đau đi kèm với chấn thương. Tuy nhiên nó không giảm chảy máu như các phương pháp lạnh trị liệu khác vì tác động thuần túy bề mặt. Nó rất hiệu quả trong điều trị điểm trigger cân cơ. Cần chú ý bảo vệ mặt bệnh nhân khỏi hơi lạnh và không phun vuông góc với da. Phun lạnh được chỉ định khi vùng bệnh lý cần kéo giãn đồng thời với lạnh trị liệu.

Dụng cụ:

  1. Flo-Metan.
  2. Khăn bông.
  3. Tấm lót.

Điều trị:

  • Vùng điều trị cần được phun lạnh rồi kéo giãn.
  • Co thắt cơ phải giảm.
  • Điều trị từ xa tới gần.
  • Phun nhanh thành dòng hơi lạnh.
  • Lạnh chỉ xẩy ra trên bề mặt; không xuất hiện hơi băng.
  • Dùng kết hợp với bấm huyệt.
  • Thời gian điều trị phụ thuộc vào vùng điều trị.

Đáp ứng sinh lý:

  • Giảm co thắt cơ.
  • Tạo thuận phản ứng gân Golgi.
  • Ức chế phản ứng thoi cơ.
  • Kích thích các cấu trúc cơ xương khớp.

Lưu ý:

  1. Đáp ứng cấp và bán cấp đều dương tính.
  2. Phòng điều trị cần thông gió tốt để tránh tích tụ hơi lạnh.
  3. Bệnh nhân cần thoải mái trong quá trình điều trị.

Ứng dụng:

  • Fluori-Methane là chất bay hơi điển hình trong kỹ thuật phun lạnh (hình 8.6). Dưới đây là kỹ thuật ứng dụng Fluori-Methane, nhưng nó dùng được cho mọi chất bay hơi khác.
  • Fluori-Methane được dùng như chất kích thích đối kháng để giảm các xung động đau tại cơ đang co thắt. Khi dùng kết hợp trong kỹ thuật “phun và kéo giãn”, nó có thể phá vỡ vòng xoáy bệnh lý đau, cho phép cơ giãn đến độ dài sinh lý mà không đau. Kỹ thuật “phun và kéo giãn” gồm ba giai đoạn: lượng giá, phun và kéo giãn.

Lượng giá:

Trong giai đoạn đánh giá, nguyên nhân đau được xác định là sự co thắt cục bộ tại điểm trigger bị kích thích. Phương pháp “phun và kéo giãn” khác phương pháp điểm trigger một chút. Điểm trigger là một điểm siêu nhạy cảm định xứ trong cơ gây ra đau chiếu. Vì thế nguồn gây đau ít khi nằm tại vị trí đau. Có thể xác định điểm trigger bằng cách nắn nhanh cơ, khiến cho cơ có điểm trigger kích thích ‘nẩy lên”. Còn trong co thắt cơ, nguồn gốc và vị trí đau hoàn toàn xác định. Điểm trigger cũng có thể điều trị hiệu quả nhờ siêu âm hoặc kích thích điện.

Hình 8.6 (11.6): Phun lạnh bằng Fluori-Methane.

Phun:

Cần phun Fluori-Methane theo các bước như sau:

  1. Bệnh nhân có tư thế thoải mái.
  2. Bảo vệ mắt, mũi, miệng nếu phun trên mặt.
  3. Cầm bình phun cách bề mặt điều trị 30 – 45 cm, sao cho dòng hơi lạnh không tiếp xúc da theo góc vuông.
  4. Dùng bình phun chỉ theo một hướng (không đưa qua đưa lại) với tốc độ 10 cm/giây. Ba hoặc bốn lần phun theo một hướng là đủ để điều trị điểm trigger hoặc co thắt cơ gây đau. Da không được đóng hơi băng. Nói chung hơi lạnh 15oC của Fluori-Methane khó làm lạnh đến mức có thể gây hoại tử mô. Khi điều trị điểm trigger, cần phun từ điểm trigger tới vùng đau chiếu. Nếu không có điểm trigger, cần phun trực tiếp trên cơ. Cần phun theo kiểu quét. Khoảng hai tới bốn lần quét song song nhưng không phủ lên nhau là đủ để tác động tới toàn bộ bề mặt khối cơ cần điều trị.

Kéo giãn:

Cần bắt đầu kéo giãn tĩnh khi phun từ điểm trigger tới vùng đau chiếu hoặc phun vùng cơ co thắt. Phun và kéo giãn cho đến khi cơ đạt được độ dài tối đa cho phép. Có thể lặp lại điều trị nhiều lần trong ngày.

Chất làm lạnh:

Fluori-Methane là hỗn hợp của hai chất chlorofluorocarbon (15% dichlorodifluoromethane và 85% trichloromonofluoromethane) Hỗn hợp này không cháy và tại nhiệt độ phòng chỉ bay hơi đủ để thoát khỏi bình chứa qua một lỗ nhỏ khi phun.

Chỉ định:

Phun lạnh được dùng điều trị đau cân cơ, hạn chế vận động và co thắt cơ. Chỉ định cụ thể bao gồm đau thắt lưng hông (do co thắt cơ), cứng cổ cấp, vẹo cổ, viêm nang cấp ở vai, co thắt cơ do viêm khớp, bong gân cổ chân, căng gân hố khoeo, co thắt cơ cắn, một số típ đau đầu và đau chiếu từ điểm trigger.

Thận trọng:

Mặc dù Fluori-Methane an toàn khi dùng trên bề mặt da, cần giảm thiểu sự cố hít phải hơi lạnh khi dùng tại vùng đầu hoặc cổ. Nó không chỉ định để giảm đau tại chỗ và không dùng khi có thể tạo hơi băng.

Tắm tương phản:

Tắm tương phản (hình 8.7) được dùng để điều trị sưng bán cấp, sưng do trọng lượng và phản ứng giãn – co mạch. Cả tắm tương phản và tắm xoáy lạnh đều hiệu quả trong điều trị loét cơ do ít vận động. Kỹ thuật tắm xen kẽ nóng và lạnh không hiệu quả để thay đổi nhiệt độ cơ.

Thiết bị:

  1. Hai thùng nước, một đựng nước lạnh 10 – 16oC, một đựng nước nóng 37 – 45oC. Xoáy nước có thể dùng tại một hoặc hai thùng.
  2. Máy làm đá.
  3. Khăn bông.
  4. Ghế.

Điều trị:

Nhúng nước nóng và nước lạnh xen kẽ nhau. Thời gian điều trị tối thiểu 20 phút, gồm năm lần nhúng lạnh 1 phút và năm lần nhúng nóng 3 phút, dù tỷ lệ có thể thay đổi tùy theo kỹ thuật viên.

Đáp ứng sinh lý:

  • Xuất hiện sự co và giãn mạch.
  • Giảm tế bào hoại tử.
  • Giảm nề.

Lưu ý:

  1. Nhiệt độ nước cần được giữ hằng định.
  2. Phòng điều trị cần đủ rộng.
  3. Bệnh nhân cần thoải mái trong thời gian điều trị.
Hình 8.7: Tắm xoáy dùng bồn xoáy nóng và thùng ngâm đá.

Ứng dụng:

Sau khi chuẩn bị, bồn xoáy có thể chứa nước nóng hoặc nước lạnh, loại nước còn lại có thể chứa trong thùng. Nhiệt độ cả hai loại nước cần được duy trì nhờ thường xuyên bổ sung đá hoặc nước nóng. Nói chung nước nóng thường chứa trong bồn xoáy, còn nước lạnh chứa trong thùng. Tắm nóng lạnh dùng để tăng nhẹ nhiệt độ tổ chức cần can thiệp. Kiểm soát sưng bằng tắm tương phản là một ứng dụng còn gây tranh cãi. Tắm nóng lạnh thường dùng cho giai đoạn chuyển tiếp để tăng dòng máu tới vùng tổn thương mà không gây nề bổ sung. Dường như nó chỉ gây phản ứng mao mạch bề mặt, do các mạch máu lớn không kịp phản ứng với sự tăng nhiệt bề mặt.

Vì thế, trong giai đoạn đầu của tắm tương phản, tỷ số điều trị nóng so với lạnh cần bắt đầu với thời gian tắm nóng ngắn, rồi tăng dần thời gian tắm nóng tại các lần điều trị sau. Tỷ lệ cụ thể có thể khác nhau giữa các nhà trị liệu, nhưng tỷ lệ 3:1 (3 phút nước nóng, 1 phút nước lạnh) hoặc 4:1 (4 phút nước nóng, 1 phút nước lạnh) trong 20 phút được chấp nhận rộng rãi nhất. Kết thúc điều trị bằng nước nóng hoặc nước lạnh phụ thuộc vào sự tăng nhiệt độ cần phải đạt. Một số nhà trị liệu thích bắt đầu với nước lạnh. Vì chi là bộ phận phụ thuộc trọng lực, khi điều trị kết thúc, cảm giác da và trạng thái nề tích lũy khi tắm cần được xem xét để đảm bảo quá trình điều trị không làm tăng lượng dịch nề.

Băng quấn lạnh:

Băng quấn lạnh là dụng cụ dùng để điều trị lạnh và băng ép đồng thời. Nó có thể dùng cho trạng thái cấp tính sau chấn thương và phẩu thuật. Nó gồm một đai quấn nylon nối với một bình chứa khoảng 4 lít chất làm lạnh. Khi nước lạnh chảy vào đai, mực nước tăng lên, áp suất trong đai tăng theo. Trong quá trình điều trị, nước sẽ ấm lên và chảy ngược về bình nước lạnh, giúp nước lạnh chảy vào đai.

Ngâm nước đá:

Thùng nước đá là lựa chọn dễ dàng cho cả kỹ thuật viên và bệnh nhân. Giống tắm tương phản, ngâm nước đá được thực hiện cho đến khi đạt được mục tiêu điều trị. Nếu vận động là một phần điều trị, thùng cần đủ lớn để có thể vận động bộ phận cơ thể bệnh lý. Mặc dù hiệu quả trong kiểm soát nề sau chấn thương, giống tắm xoáy lạnh, nó cũng là một kỹ thuật mà phần cơ thể cần can thiệp phụ thuộc trọng lực. Khi ngâm nước đá, cảm giác đau do lạnh có thể xuất hiện thường xuyên hơn so với túi đắp lạnh.

Vận động trong lạnh:

Kết hợp vận động và lạnh liệu pháp là một kỹ thuật với mục tiêu làm lạnh vùng tổn thương tới nhiệt độ có thể giảm đau và vận động để đạt được tầm vận động tối đa qua vận động chủ động tăng tiến.

Kỹ thuật bắt đầu với việc làm tê cóng cơ thể bằng cách ngâm nước đá, túi đắp lạnh hoặc mát-xa đá. Phần lớn bệnh nhân thấy cảm thấy tê cóng sau 12 – 20 phút. Nếu cảm giác đó không xuất hiện sau 20 phút, vận động liệu pháp vẫn phải bắt đầu. Cảm giác tê cóng thường kéo dài 3 – 5 phút, khi đó cần thêm nước đá trong 3 – 5 phút để thiết lập lại cảm giác. Lặp lại qui trình trong 5 lần liên tiếp.

Thực hiện vận động trong giai đoạn tê cóng. Vận động cần theo cách không gây đau và tăng tiến về cường độ, tập trung đồng thời vào độ mềm dẻo và sức mạnh, với mục đích cuối cùng là khôi phục hoàn toàn khả năng hoạt động của phần cơ thể bệnh lý.

Đọc tiếp: Bài 49: Nhiệt trị liệu ( Bấm để đọc )

Theo dõi thêm các thông tin liên quan về VLTL- PHCN tại đây.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi cần tư vấn và giúp đỡ!

Nhắn Zalo
Gọi ngay